26 March 2011

THOÁT, hồi ký

Mừng thầm, những tưởng đưa được gia đình từ Cao Nguyên về tới Vũng Tàu, xa lánh vùng cộng sản kiểm soát là thoát hiểm, nhưng không ngờ, tình hình Đất Nước vào những ngày cuối tháng tư 1975, biến chuyển quá nhanh! Tổng Thống từ chức! Nội các giải tán! Miền Duyên Hải mất gần hết! Áp lực cộng sản khắp nơi...!
Khi chiếc ghe đưa gia đình tôi và Nguyễn thành Huy, đồng môn HC(1) từ Nha Trang, cập bãi sau Vũng Tàu, thú thực là tôi thấy đời mình quá hạnh phúc, không nghĩ là mình có được những may mắn quá lớn thế này. Nhưng...niềm vui ấy vơi ngay vì trước mắt, nhiều việc phải giải quyết. Tới đây rồi thì gia đình ở lại Vũng Tàu hay về Sài Gòn? Ở lại thì ở đâu? Đã thế, ngay trong bữa cơm chiều đầu tiên tại nhà người thân của Huy, bà chị đã lưu ý:
--Các anh chị chớ coi thường mỗi khi di chuyển ở đây (Vũng Tàu), trong Thị xã này, mới hôm qua, đã có một vài vụ ám sát (cán bộ quốc gia) ngay ban ngày rồi đó!
Sự lưu ý này cho thấy tình hình an ninh ở đây cũng chẳng sáng sủa gì, Thị xã cũng đã ban hành lệnh giới nghiêm. Sau khi bàn với Huy, chúng tôi ngủ lại đó một đêm, sáng hôm sau, Huy và gia đình tôi, di chuyển đến nhà anh Toàn, (Lê văn Toàn, đồng môn HC), Phó Thị Trưởng Vũng Tàu, thăm hỏi và tìm hiểu tình hình. Biết được trường hợp gia đình tôi, anh chị Toàn giữ ở lại ngay nơi anh chị cư ngụ.
Tư thất Phó Thị Trưởng Vũng Tàu ở ngay khu thị tứ, thế mà chỉ mới chập choạng tối, đèn phố còn chưa lên mà đường phố đã vắng hoe, thỉnh thoảng mới nghe một vài tiếng còi xe vang lên đơn độc. Dân chúng Vũng Tàu cũng có vẻ rất tôn trọng giới nghiêm. Cả khu vực chìm đắm trong thinh lặng.
Tôi và anh Toàn cùng ngồi nơi phòng khách nhâm nhi...Anh là người thâm trầm, ít nói, tôi gợi chuyện:
--Tình hình thế nào anh Toàn? Tôi lo chạy trốn cộng sản nên chẳng biết tình hình chung lúc này ra sao.
Tuy hỏi một câu rõ ràng như thế, anh vẫn không trả lời, chắc anh đang nghĩ ngợi điều gì, bỗng anh hỏi lại tôi:
--Làm cách nào mà 'toi' đưa được cả gia đình về đây vậy?
--Chẳng biết nữa, mọi chuyện nó cứ từ từ xảy ra, phúc đức, nó lại đúng với mong muốn của mình, nguyên tắc thì việc nào cũng tính, nhưng nhiều cái tính không ra, còn anh...đã tính gì chưa?
--Ý...'toi'...? Không có gì đâu. Cho tới giờ phút này, chưa tính gì cả. Tình hình đâu đã đến nỗi...Dư luận ngoài phố thì nghe rục rịch có những chuẩn bị nọ kia ghê lắm, nhưng mình thì hoàn toàn không. Mình trong chính quyền nên bố bảo cũng chẳng dám ho hoe, dân mà họ biết mấy ông chính quyền cũng đang lo chạy thì loạn rồi!
--Nói thế có nghĩa là các 'Cụ' cũng có nghĩ tới nhưng chưa dám...thôi chứ gì?
--Dư luận quần chúng thì xem ra người ta chuẩn bị ghê lắm. Nhưng mình thì thật không có gì.
--Tôi hiểu, các anh thì không thể làm chi lúc này, nhưng trường hợp tôi thì khác, anh biết đó, tôi bị bắt và rồi trốn được về đây, đâu có thể để lọt vào tay nó lần nữa, thế chỉ có chết thôi. Phải không? Sợ vậy nên không muốn để 'nước tới chân' mới nhảy, tôi muốn tìm hiểu là vậy đó anh Toàn. Hỏi thật, anh bảo hình như ngoài dân chúng ồn ào chuyện này lắm, vậy nếu có tổ chức nào anh biết thì mách cho tôi, dĩ nhiên là tôi phải giữ kín.
--Chính thức tổ chức nào thì tôi không biết thực, nhưng nghe đâu các Cha ngoài kia có thì phải? Tổ chức của các ngài hình như cũng qui mô lắm, anh thử tìm hiểu xem sao, anh là người công giáo, tôi chắc dễ được các ngài thông cảm, nếu như chuyện này có thực.
Cám ơn anh, thế đủ rồi, anh biết là tôi về đây đã 2 ngày, vẫn chẳng có móc nối nào cho mình chút hy vọng , bây giờ có 'truy ô' này, tôi phải đến gặp ngay các Cha, nếu quả thực các Ngài có, là mình có hy vọng, phải không anh?
Sáng sớm hôm sau, cyclô chở tôi đến thăm Cha Sở, lòng tâm niệm: Đây là một xứ đạo lớn, dân giầu, nhiều tàu, lắm ghe, chắc thế nào cũng có...
Một thanh niên từ phòng Cha xứ bước ra, chắc là thư ký của Cha, tôi chặn lại, nói với anh ta là tôi muốn gặp Cha Sở, người này không nói gì, nhìn tôi rồi...bỏ đi, phút sau trở lại, thấy tôi vẫn đứng đó, lễ phép hỏi:
--Ông cần...? Ông là.......?
--Chú đừng ngại, tôi là người công giáo, ở Sài Gòn, ra gặp Cha có việc cần.
Nghe thế, anh ta vào trình Cha. Trở ra, anh ta mời tôi vào.
Được gặp Cha, rất mừng, nghĩ rằng mình có dịp trình bày hoàn cảnh đặc biệt của mình với Cha, thế nào cũng được Cha thông cảm. Nhưng gặp rồi, Chào Cha, Ngài mời ngồi rồi lại tiếp tục đọc sách, chẳng thèm ngó mình! Thái độ của Cha khiến tôi nản vô cùng. Mình có chuyện nhờ Cha mà...thế này thì mong gì! Buồn và bao nhiêu hy vọng lúc ra đi tự nhiên biến mất! Nhưng nghĩ tới 'tổ chức'...lại tự nhủ: Không được...Mình đang cần, phải nhẫn nhục! Chắc bản tính ngài như vậy? Cha Cụ nào mà chẳng Bác ái, Nhân từ! Có thể Ngài chưa biết mình là ai. Cũng có thể trước tình hình an ninh hiện nay, Ngài phải thận trọng? Nghĩ vậy, niềm tin lại len lén trở về. Kiên nhẫn ngồi chờ xem bao lâu nữa Cha sẽ hỏi chuyện mình. Chắc thời gian thử thách Cha dành cho tôi cũng tạm đủ, Cha ngẩng mặt nhìn, mừng quá, nhìn thẳng vào mắt Cha, tự nhiên nhớ ngay tới câu nói hí hỏm của dân gian: “Người khôn, con mắt thâm đen”. Mắt Cha sâu, lông mày rậm, đen quá sức! Không sai, Đúng Cha là người khôn. Chính điểm này khiến tôi càng thêm tin tưởng nơi Cha. Ngài mà có...thì tổ chức của ngài chắc chắn phải ngon lành!
Khai gia phả chưa đủ, để Cha dễ tin hơn, tôi hài tên một số Linh Mục, Giám Mục mà tôi, gia đình tôi quen biết, trong đó, một vài vị chắc chắn Cha cũng biết. Dẫn chứng một tràng như vậy, hình như Ngài mới tin là tôi có đạo. Ngài hỏi thêm:
--Ông đang ở đâu bây giờ?
--Con đang ở nhà ông Phó Thị trưởng Vũng Tàu.
--Ông quen ông ấy à?
--Chúng con là đồng môn, đồng nghiệp với nhau, thưa Cha.
--Gia đình ông bao nhiêu người?
--khoảng 15, 16 người ạ.
--Chúng tôi có ghe, ông ra nói chuyện với người phụ trách nhé.
--Cám ơn Cha.
Mừng quá, kêu cyclô về nhà, khoe ngay với bà xã:
--Có ghe rồi.
--Sao hay vậy? Ở đâu?
--Của mấy Cha...
--Sao anh biết mà đến?
--Anh Toàn mách...
--Gia đình anh Toàn có đi ghe này không?
--Sao biết được. Hình như anh ấy không biết có tổ chức này thật.
--Có phải đóng góp gì không?
--Có chứ, không ít đâu.
--Ghe lớn không hay lại nhỏ như ghe từ Nha Trang về đây thì sợ lắm.
--Cha nói có thì mình tin là có chứ đã thấy ghe thuyền nào đâu! Anh cũng quên hỏi xem ghe lớn hay nhỏ, đậu ở bến nào.
--Đừng lo, Cha Cụ mà, ai nỡ lừa dối mình.
Thời gian tỵ nạn ở nhà anh Toàn, thật rảnh rỗi, thư giãn. Cả ngày đọc báo, nghe radio, TV thì hình ảnh chập chờn cũng chẳng muốn coi.
Rồi...khoảng 8 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1975, trong lúc anh Toàn đi làm, tôi ngồi đọc báo nơi phòng khách tư thất Phó Thị Trưởng, bỗng có một thanh niên, hớt hơ hớt hải, chạy thẳng vào phòng khách, ngừng lại trước mặt tôi, vừa thở vừa nói:
--Trình ông Phó, Ông...X...bảo con ngay khi tới Vũng Tàu thì phải vào trình ông Phó để ông Phó trình với Đại tá Thị Trưởng lo cho phần an ninh nơi đậu tàu.
Chợt nghe thanh niên này trình...ông Phó, giật mình ...Tại sao anh này biết tôi từ Ban mê Thuột chạy về đây, bộ … theo dõi hay sao? Nhưng chỉ giây lát, tôi biết là anh ta lầm, tưởng tôi là Phó Thị Trưởng Vũng Tàu, tôi cũng lấy lại bình tĩnh và bảo anh ta ngồi xuống, uống nước, nói rõ đầu đuôi xem tàu bè nào.
Tàu Đà Nẵng...sức chứa khoảng 250 đến 300 người, tàu này thuộc một tổ chức của mấy ông lớn ở Sài Gòn, chuẩn bị cho thân nhân rời VN đi Tân gia Ba. Hiểu rõ câu chuyện, tôi bảo anh ta về coi tàu và gọi điện thoại cho anh Toàn.
--Anh Toàn phải không?
--Tôi đây, có chuyện gì vậy?
--Có chuyện quan trọng, anh về nhà ngay được không?
--Quan trọng lắm không? Tôi rất bận, không về bây giờ được.
--Chuyện này nói qua điện thoại không được, anh nên về thì hay hơn.
--Được, tôi về...
Từ xe đi vào, chưa kịp ngồi, anh đã hỏi:
--Chuyện gì mà không nói qua điện thoại được vậy?
--Ngồi xuống đi, thủng thẳng tôi nói anh nghe.
Kể rõ chuyện, nghe rồi, tôi thấy anh có vẻ hơi ngượng với tôi, chặp sau anh phân trần:
--Thật khổ tâm...Không phải tôi dấu hay tiếc anh khi nói không có tổ chức nào! Giờ thì anh biết, đây là tổ chức của họ, họ chỉ hứa cho ông Thị Trưởng và gia đình tôi, mỗi gia đình một số người vì họ cần đến sự bảo đảm anh ninh của địa phương chứ tôi không có trong tổ chức của họ.
--Tôi tin anh và không buồn đâu, nhưng nói thật với anh, bây giờ tôi đã biết có tổ chức này rồi, tôi cũng đang ở ngay trong tư thất của anh, tôi muốn anh trình bày với họ trường hợp đặc biệt của tôi. Anh hiểu hơn ai hết phải không anh Toàn?
Nghe tôi nói thế, anh vẫn còn dè dặt bảo là anh chỉ dám hứa là sẽ trình bày với họ trường hợp của tôi...Biết chắc là anh không ở trong tổ chức của họ nhưng cũng muốn anh đừng nghi ngờ quyết tâm của mình, một lần nữa, tôi nói thật rõ tâm trạng tôi lúc này là tìm kiếm phương tiện để đi, bây giờ biết là có, tôi nghĩ mình phải được sử dụng, tôi không thể để lọt vào tay cộng sản lần thứ hai. Nói thật, đã có lúc tôi định nói thẳng ...Thoát thì cùng thoát, kẹt thì kẹt hết...! Nhưng lại thôi, không nói ra ý nghĩ này, sợ người ta cho mình là … người không hiểu chuyện!
Gia đình tôi rất biết ơn anh chị Toàn, chắc chắn là anh đã thuyết phục được họ, nên ngay chiều ngày hôm sau, 25/4, một buổi họp để phân công việc mua nước và thực phẩm đem lên tàu, tôi được chính thức mời tham gia. Thực tế chỉ có tôi, Huy và mấy người thuộc tổ chức của họ ở Vũng Tàu, lo mua sắm các vật dụng cần thiết mà thôi, những người thực sự đi trên tàu Đà Nẵng này, đa số còn ở Sài Gòn, chưa có mấy người ra Vũng Tàu, bởi tình hình chưa nguy ngập lắm.
Nhưng...mọi sự biến chuyển quá bất ngờ, VC khởi sự tấn công Long Thành và Tỉnh lỵ Phước Tuy vào chiều ngày 26 tháng 4, thế là đường Sài Gòn, Vũng tàu bị chặn, lập tức, dân Vũng Tàu đổ xô ra biển, tất cả chúng tôi cũng vội vã ra ghe để chuyển lên tàu. Nói thì đơn giản vậy chứ con đường từ nhà ra ghe, chỉ một đoạn đường, nhưng vô cùng gian nan, những trạm kiểm soát an ninh, chẳng biết thiết lập từ khi nào, đã thi hành lệnh một cách cứng nhắc! Khám xét quá kỹ, hạch sách giấy tờ, hành lý bị lục tung tóe, trời tối, người đông, miệng la, chân chạy, ngược xuôi, vô trật tự!
Lên được tàu rồi, chợt nhớ tới tổ chức của Cha mà mình có đóng góp tham gia, nếu như giờ này cần thì...biết đâu mà tìm! Quan sát trên boong, tất cả ngồi nằm la liệt, coi như đã an vị xong xuôi. Viên thuyền trưởng đang hối lập danh sách, bỗng nghe nhiều tiếng nổ lớn, lửa nhá lên từng cụm nơi bờ biển, bãi trước, bãi sau, thế là ai nấy đều nhao nhao đòi nhổ neo gấp, sợ chúng pháo tới tàu thì khốn. Trong khi bà con lo sợ thì viên thuyền trưởng lại tỉnh bơ, nói lớn: Chỉ bấy nhiêu người, nhẹ quá, làm sao ra khơi! Lập tức, tôi nghe được câu nói sau đây, chứng tỏ không còn chi nể nang với lịch sự: Kệ cha nó, nhẹ cũng đi, chết trên biển còn hơn là ở đây lãnh pháo nó sao! Trời đất! Thì ra người dân Việt sợ VC hơn là sợ chết!
Rồi tàu cũng nhổ neo. Ngó mấy đứa con ngồi quanh mẹ, tôi lại bên, muốn nói cho con hiểu là gia đình mình có được phương tiện đi là điều vô cùng may mắn. Cảm tạ Ơn trên. Nói xong, lại chỗ anh Toàn và anh Cao thế Dung (nhà báo, nhà văn, tác giả cuốn: Làm thế nào giết Tổng Thống?) đang ngồi ở sàn tàu, định ngỏ lời cám ơn anh Toàn, vừa mới nói được chữ ...Cám thì anh gạt đi: Cám với gạo cái gì, bỏ đi. Và anh tiếp:
--Anh biết cái tàu này là của ai không? Của mấy ông ở Sài Gòn, họ có thân nhân làm gì đó ở Canada. Họ muốn đưa gia đình đi Canada, nhưng chính phủ Canada chỉ nhận cho nhập cảnh những người từ Singapore, vì vậy họ phải có tàu đưa thân nhân đi Singapore là vậy.
Nghe thế, anh Dung hỏi:
--Canada biết chuyện mất VN?
--Chắc họ biết thì mới cho nhập cảnh như vậy chứ.
Anh Toàn tiếp:
--Vậy mà thiên hạ cứ xoen xoét cái mồm cho rằng chả bao giờ Mỹ bỏ VN. (2)
Đà Nẵng ung dung nhắm hướng Tân gia Ba mà chạy. Nhìn vào đất liền, thấy xa bờ thì mừng nhưng sóng biển lớn hơn, bắt đầu có người nôn ọe. Đêm về, bầu trời thì trăng sao lấp lánh, dưới nước thì sóng bạc đuổi nhau tạo thành những hình ảnh tuyệt đẹp hệt như bức tranh 'thủy tinh' bị kẻ điên...đập vỡ...!
Càng về khuya, trời càng lạnh, vậy mà một số khá đông, không ngủ, chắc là lo âu nhiều quá, ngồi một chỗ tâm sự với nhau. Cùng một tâm trạng, tôi vào phòng lái, kiếm chuyện nói với viên thuyền trưởng:
--Mệt không Thuyền Trưởng?
--Mệt chứ, nhưng mới thôi mà.
--Quầng sáng trước mặt kia là gì vậy Thuyền Trưởng?
--Có thể là tàu buôn hoặc tàu Hải quân?
--Ông có người phụ lái?
--Không, ông có thanh niên nào khỏe mạnh, kêu tới đây, tôi chỉ cho...
Nghĩ ngay đến Huy, khỏe mạnh, thêm chút kinh nghiệm ghe thuyền thời niên thiếu.(dân Ninh Chữ, Vạn Giả, lúc nhỏ thường đi ghe với Ông Nội). Kiếm được Huy, hai anh em cùng vào phòng lái. Thuyền Trưởng chi cho Huy những chi tiết cần thiết, Huy ngồi lái thử cả tiếng đồng hồ, bỗng Thuyền Trưởng vỗ vai Huy, thân mật:
--Đường đi Singapore còn dài, có người phụ, tốt lắm, cứ thế mà lái là good rồi, bây giờ cậu đi ngủ trước đi.
Tính ra từ lúc tàu nhổ neo đến giờ cũng hơn một ngày, chạy trên hải phận Quốc tế cũng đã mấy tiếng, thấy tàu mỗi lúc tròng trành nhiều hơn, nhớ tới lời thuyền trưởng nói lúc sắp nhổ neo là tàu nhẹ quá, khó mà vượt biển nên cũng lo. Đang định vào hỏi xem tình trạng tàu bè thế nào thì môt thanh niên từ dưới lòng tàu chạy lên, la thất thanh:
--Máy bơm nước hư rồi thuyền trưởng!
--Hư từ bao giờ?
--Nửa giờ rồi, tụi em ráng sửa mà không được!
--Nước hầm tàu ứ lên nhiều chưa?
--Chưa nhiều, nhưng nếu không bơm ra được thì nguy, ngập máy ạ.
Thuyền Trưởng bảo tôi gọi Huy. Nhảy ra khỏi tay lái, ông chạy xuống hầm tàu, lát sau uể oải bước lên cầu thang, thấy tôi, ông bảo:
--Không được...Nguy rồi ông ạ, ông phải huy động nhiều người thay nhau múc nước đổ ra biển không thì máy đứng mất!
Hết hồn, sợ tin này loan ra, bà con hoảng hốt, nên chỉ thông báo cho một số người lớn, lập tức, đám thanh niên được huy động thay phiên nhau xuống hầm tàu múc nước chuyển lên trên boong, đổ ra biển.
Liên tiếp nhiều tiếng đồng hồ, những người múc nước xem ra cũng đã quá mệt mà máy bơm vẫn không sửa được, thấy vậy, biết là không thể tiếp tục lâu hơn, Thuyền Trưởng quyết định...' trở lại Vũng Tàu'!!!
Trời...Đất...! Chạy trối chết rồi bây giờ quay trở về? Nghi ngờ nhận định của Thuyền Trưởng, cùng với rất nhiều người bu quanh ông, tôi hỏi:
--Thực sự tàu không thể đi tiếp?
--Đi được hay không tùy thuộc vào...múc nước. Tôi thấy những người múc nước từ đêm tới giờ, mệt hết rồi! Đường đi Singapore lại còn quá xa!
--Trở lại Vũng Tàu cũng vẫn phải múc mà … Thuyền trưởng...
--Đúng, phải liên tục múc được bao lâu thì múc, bao giờ máy chưa bị ngập nước thì còn chạy, khi nào ngập thì....Tôi sợ không về tới Vũng Tàu nữa kìa!
Câu nói: 'còn nước còn tát' của ông bà, áp dụng trong trường hợp này sao mà đúng thế! Không muốn chết thì 'còn nước, còn phải múc'! Mệt cũng không được nghỉ!
Tin 'trở lại VT' loan ra thật mau, nó không còn là thất vọng nữa mà phải nói là...tuyệt vọng rồi! Thấy anh Toàn và anh Dung ngồi ôm đầu, tôi lại gần:
--Anh Dung, sao?
--Sao gì nữa! Về đó nạp mạng chứ còn đường nào khác!
Quay lại phía sau, một số đông người tụ lại với nhau bàn tán xôn xao, thật không cách nào tả nổi hình ảnh những người này, đứng, nằm, ngồi bó gối trên boong, mắt, miệng mở to, kẻ ngửa mặt nhìn trời, người ôm đầu gục mặt! Tôi vẫn dấu chưa cho nhà tôi và các con biết chuyện trở về Vũng Tàu, không muốn chúng sợ! Đầu nóng, lòng buồn, tôi kéo Huy trở lại buồng lái, nói với viên Thuyền Trưởng:
--Đêm qua, trên đường ra hải phận quốc tế, chính lúc ông hướng dẫn cho Huy lái tàu, cũng thấy có nhiều quầng sáng trên biển, ông bảo đó có thể là tàu buôn hay tàu Hải quân, vậy bây giờ, trên đường quay về, nếu như có quầng sáng nào gần, Thuyền Trưởng thử hướng về đó xem sao, biết đâu có tàu nào đó, họ vớt thì may quá.
Nghe tôi nói, ông đồng ý liền, trong lòng lại nhen nhúm chút hy vọng. Ông ta nhắc tôi và Huy:
--Các Ông phải theo dõi việc múc nước, ngưng là không được đâu.
Tôi và Huy từ buồng lái đi ra, anh Toàn kêu:
--Xong rồi! Radio vừa loan báo: Nó vào Biên Hòa...
Anh Dung thì:
--Còn cả vùng 4 mà...
Mọi người im lặng, bỗng anh Toàn hỏi:
--Liệu tàu này về tới Cát Lái được không?
--Sao anh lại muốn Cát Lái?
--Ở đó ta có căn cứ Hải quân, hơn nữa, đó là vùng hiểm trở, chúng khó xâm nhập.
Ngay lúc đó, có tiếng la lớn nơi những người đang đứng ở thành tàu:
--Trước mặt có quầng sáng to lắm. Yêu cầu Thuyền Trưởng chạy tàu tới đó.
Tới đây thì số mạng nằm trong tay Thuyền trưởng, đành phó thác mọi chuyện cho ông. Ông chạy hay không, ai mà biết!
Khoảng 4 giờ sáng ngày 28/4, bất ngờ xuất hiện lờ mờ ngay phía trước, 2 chiếc canô cỡ nhỏ, chạy ngược về hướng tàu chúng tôi với tốc độ thật nhanh, cảm tưởng như chúng đang chạy đua hay rượt bắt kẻ gian, tới gần chúng tôi, canô giảm tốc độ, giọng người Mỹ nói tiếng Việt, hỏi:
--Các người là ai? Cần chi không? Nếu cần food thì chúng tôi cung cấp cho.
Hầu như cả trăm người trên tàu đều la lớn:
--Chúng tôi là người VN, chúng tôi cần cứu vớt chứ không cần food. Tàu chúng tôi hư máy rồi.
Ngay lúc đó, mấy Cụ già la cũng lớn:
--Các cậu múc nước đổ ra biển cho họ thấy họ mới tin, múc...đi!
Cả tàu cứ nhao lên van xin họ vớt, nhất là mấy Cụ già, vái, lạy quá trời! Mấy thanh niên thấy vậy, đỡ các Cụ dậy, nói:
--Không cần lạy Cụ ơi, lạy họ cũng không thấy mà. Các Cụ ngồi nghỉ đi....
Nói qua nói lại, phía mình thì cứ nhất định là không cần thực phẩm trong khi họ thì chỉ muốn giúp thực phẩm thôi, không nói chi đến vớt người. Thời gian kéo dài chừng 20 phút, bất ngờ họ bảo:
--Cho tàu chạy theo chúng tôi.
Thế là cả tàu reo hò, ôm nhau nhảy mừng. Biết là được cứu nên mọi người cười nói hả hê, đang vui như vậy mà ông Thuyền trưởng lại thốt ra một câu, khiến bà con lo tiếp:
--Cứu thì vớt ngay chứ bắt chạy theo, sợ tàu...chìm trước khi tới nơi được vớt!
Thuyền Trưởng vừa dứt lời thì lập tức nghe mấy Cụ phản ứng:
--Trời đất ơi, Thuyền Trưởng ăn nói gì kỳ vậy! Đi biển không nên nói thế. Được họ cứu là mừng rồi, còn khi nào người ta vớt là quyền người ta, làm sao mình hối được, biết vậy thì lo múc nước đi.
Chạy theo hơn một tiếng mới tới gần một tàu Hải quân lớn, họ ra lệnh cho tàu Đà Nẵng kẹp sát vào sườn tàu Hải quân, nhưng chẳng biết tại sao, không cách nào ép tàu vào được, cứ mũi vào thì đuôi ra, riết rồi người Mỹ cũng sợ, không khéo, tàu Việt đâm thủng tàu Mỹ, thế là họ phải nhảy xuống tàu Đà Nẵng để điều khiển, một lúc sau mới ép được nó vào sườn tàu HQ.
Mọi người thở ra nhẹ nhõm, khoan khoái vô cùng. Có điều hơi kỳ nhưng không khó hiểu và thông cảm được là khi cầu thang được thả xuống, thì hỗn loạn xảy ra, có lẽ cái tâm trạng sợ hãi vẫn còn ám ảnh nên ai nấy đều vội vã, tay xách, nách mang, chen lấn nhau giành lên trước dù biết rằng tất cả sẽ được vớt. Ngay sau đó có lệnh loan báo: Cấm không được đưa lên tàu Mỹ bất cứ thứ gì, ngoại trừ...quần áo, thì rất nhiều bà con phải vứt bỏ lại đủ thứ như: Sữa, đường, thuốc men, mì gói, bánh trái.v.v.v. Buồn nhất là những người ghiền thuốc lá, nhìn cả trăm cây thuốc, đủ loại, phải bỏ lại, tiếc vô cùng. Chưa hết, ngay tại đầu cầu thang, trước khi bước vào tàu Mỹ, hai viên Sĩ Quan đứng kiểm soát từng người. Bất ngờ, một trong hai Sĩ Quan, chặn một thanh niên lại, từ từ rút ra dưới lớp áo khoác của thanh niên này, 3 cây thuốc lá, lập tức trong đám đông, bu quanh đó, có tiếng xì xào: Thuốc lá thì có chi độc mà phải cấm ông ơi! Hai Sĩ Quan Mỹ biết tiếng Việt, hiểu ý...lắc đầu...cười, thuận tay liệng 3 cây thuốc xuống biển!
Công cuộc chuyển tàu diễn ra rất lẹ, tốt đẹp. Sau khi chiếc cầu thang được rút lên, họ thả chiếc tàu Đà Nẵng lềnh bềnh trên sóng, đứng nhìn theo, chỉ chốc lát, nó bể nát, chìm sâu trong lòng biển, dù nó là vật vô tri, cũng...mủi lòng! Mới vài giờ trước đó, sinh mệnh bao nhiêu người còn nằm trong lòng nó, vậy mà...!
Bây giờ thì mọi người đã biết chắc là được vớt, không còn sợ bị bỏ, bị kẹt, nên vui lắm, nói, cười, thoải mái trên tàu, đã vậy, chỉ nửa giờ sau, được cung cấp phần ăn ngon miệng, đó chính là phần ăn của thủy thủ đoàn. Nhìn ai cũng mặt mày rạng rỡ, khác hẳn lúc lo sợ, nhăn nhó trên tàu Đà nẵng!
Đêm đó cũng là đêm có giấc ngủ thật dài, êm đềm, ngon giấc. Sáng hôm sau, Hạm Trưởng gặp bà con tỵ nạn, qua phần thăm hỏi và cầu chúc mọi người tương lai có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, ông đặc biệt lưu ý vấn đề kỷ luật trong thời gian sống ở trên tàu. Trước khi chấm dứt buổi tiếp xúc, ông yêu cầu họp những người khỏe mạnh lại, chia thành 3, 4 toán, những toán này sẽ giúp thủy thủ đoàn trong việc đón nhận thêm một số người trong những ngày tới.
Tối nằm chuyện gẫu với các anh Dung, anh Toàn và Huy, ai cũng đồng ý, chuyện Mỹ chuẩn bị vớt người tỵ nạn là có thật, không có sao lại đậu tàu ở biển chờ? Huy cười, nói một mình: Vậy là mình hên, trong cái rủi có cái may, nếu tàu mình không hư, không trở lại Vũng Tàu, sao được vớt! Còn tàu Đà Nẵng, vừa máy hư, vừa sức chứa nhẹ, liệu đi tới Singapore nổi không?
Đúng như ông Đại Tá Hạm Trưởng nói, từ trưa ngày 30/4, không biết bao nhiêu ghe thuyền, xà lan, chở người từ phía bờ biển Việt nam, chạy về hướng chiếc tàu HQ đậu. Tổng kết lại, khi tàu nhổ neo, trên 5,000 người được vớt. Tôi không rõ lắm nhưng hình như tàu có 3, 4 tầng hầm thì phải, nhìn những anh lính thủy bồng bế con nít, hướng dẫn người già cả, vất vả sắp xếp chỗ nằm, chỗ ăn, nhất là những lúc thấy họ di chuyển những thùng phuy chứa đồ phế thải (dưới hầm tàu), mồ hôi nhễ nhãi, không nhăn nhó, không thở dài...Tự nhiên nghĩ: Không biết kiếp trước họ nợ dân Việt mình cái chi mà kiếp này phải trả? Thành thực mà nói: Tôi vô cùng mến phục lòng vị tha, bác ái của họ!
Suốt một đêm, tàu nhắm hướng SUBIC, Phi Luật Tân chạy tới. Lên đất liền, không những được tiếp đón ân cần bằng những lời chào thân mật của nhân viên tiếp nhận mà còn có rất nhiều hoa quả, bánh trái bày sẵn dọc con đường dẫn vào những căn lều thiết lập ngay tại bến cảng.
Ở đây không lâu, chỉ hơn một tiếng, gia đình tôi được lệnh chuẩn bị đi Guam. Cùng với cả trăm người đến SUBIC từ trước trên chiếc C.130 trực chỉ đảo Guam, tới nơi tôi được đem đến ở dẫy lều sát bờ biển, tuy gió biển mát mẻ, nhưng đêm về, thưởng thức...'free' cái mục...' hương nhà cầu', chả thích tí nào!
Thấy tiêu chuẩn ưu tiên đưa người tỵ nạn rời đảo vào lục địa, mình không có. Mình là dân sự lại không có mảnh giấy tờ nào chứng tỏ là viên chức VN. Sợ ở lâu nơi đảo, tôi đến đại văn phòng, xin cho đi sớm, khai tên tuổi và chức vụ đầy đủ, nhưng anh chàng phụ trách, nói rất rành tiếng Việt, lại còn cho biết đã từng là nhân viên USAID ở VN nên biết Phó Tỉnh Trưởng là người thế nào, nhưng...Sorry, không thể giúp vì không có giấy tờ chứng minh. Người ta nói chuyện nguyên tắc thì mình phải chịu.
Buồn, số mình vẫn chưa hên! Chán nản, chẳng muốn về trại, cứ ngồi ngó trời trăng, mây nước, sóng biển gào...
Bỗng nghe tiếng chào sau lưng:
--Chào ông...
--Quay lại...Anh là...?
--Ông quên em rồi! Em … Phó Ty...
--Trọng phải không? Gia đình đi được cả chứ?
--Chạy được có một mình thôi ông. Em có tờ 'Sự vụ lệnh' (SVL) này, không biết họ xếp cho ưu tiên nào, có gì...ông chứng cho em...
Trọng đưa tôi coi tờ 'Sự vụ Lệnh'...Trời Đất...! Tờ SVL này là do tôi ký cử Trọng đi công tác trước đây! Chữ ký và con dấu còn đỏ chót. Trực giác bảo: Tờ giấy này có thể giúp mình. Cầm ngay vào chỗ anh chàng Mỹ từ chối hồi sáng, chứng minh với anh ta là mình nói sự thiệt, bây giờ thì anh có thể thấy rõ chức vụ và nơi chốn làm việc của tôi. Rất may, nhờ anh ta hiểu chuyện, chẳng những chịu làm thủ thục cho gia đình tôi vào đất liền ngay mà còn...xin lỗi nữa mới thiệt là… thú vị!
Đúng lả Trời thương! Phải nói đây là tờ 'SVL cứu tinh'! Nhờ ngồi lỳ ở văn phòng nên mới vớ được nó. Trở ra chỗ Trọng ngồi, trả lại tờ SVL và cho Trọng biết là giấy này đủ để làm thủ tục vào đất liền. Trọng vui, tôi mừng, cũng không quên cám ơn thật nhiều người công chức đã (vô tình) đem may mắn đến cho mình.
Sáng ngày 4 tháng 5/1975, gia đình tôi ra phi trường đảo Guam, trực chỉ Fort Chaffee, Arkansas, USA.
Hai tháng sau có sponsor bảo lãnh,gia đình tôi định cư từ đó đến nay tại Mỹ. 

Nguyễn ngọc Vỵ K6.
___________________________
(1)--Gia đình Nguyễn thành Huy, định cư tại USA.
(2)--Gia đình Anh Chị Lê văn Toàn, định cư tại Canada, Anh Toàn đã qua đời!
Gia đình Anh Chị Cao thế Dung, định cư tại USA.

No comments:

Post a Comment