21 December 2010

Truyện ngắn


Trên chiếc xe đang chạy tới địa điểm tham dự buổi hợp mặt của các cựu học sinh tại California, mọi người đang nhắc lại những chuyện ngày xưa khi còn sống ở quê nhà. Bỗng Luân quay sang phía mẹ Thủy và nói :

- Đáng lẽ hồi đó con phải sớm xin hai bác cưới Thủy.

Rồi như không đợi mẹ Thủy trả lời chàng nói tiếp :

- Bác biết không, mùa hè năm đó con vừa đậu xong trung học đệ nhất cấp, cha con đưa con vào Quy Nhơn để học thêm Anh Văn. Hai cha con lên chuyến tàu chợ ở ga Bồng Sơn. Ngồi xuống ghế xong mới thấy người ngồi trước mặt là một cô gái trạc bằng tuổi con. Trông cô ta thật thùy mị, dịu hiền với nét đẹp thơ ngây của một nữ sinh nơi thành thị. Con chỉ biết len lén nhìn… Và sau hơn hai tiếng đồng hồ thì tàu đến ga cuối cùng là Quy Nhơn, mọi người đều rời tàu, con nhìn cô ta xuống ga trong niềm luyến tiếc, và tự hỏi không biết có bao giờ gặp lại hay không. Đứng trên sân ga cha con nói, mình nghỉ một lát rồi cha vào thăm ông bạn trước khi đến nhà bác Lộc, nơi gởi con ở trọ học hè. Ông bạn mà cha con muốn viếng té ra là ông trưởng ga Quy Nhơn, là bác trai. Hai cha con được bác trai tiếp trong thân tình. Và người mang nước trà ra đãi khách té ra là cô gái mà con vừa gặp trên tàu, là Thủy đó bác…

- Thế sao hồi đó cậu không chịu đi hỏi nó ? Mẹ Thủy hỏi.

- Thưa bác cũng tại hoàn cảnh chiến tranh mà. Gia đình con phải bỏ ruộng vườn chạy giặc, nhà cửa nay dời mai đổi, con thì tay trắng chưa có sự nghiệp gì, chỉ mong sau khi có chút sự nghiệp mà Thủy đợi được thì con mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Luân đáp.

Xe cũng vừa đậu vào “parking lot” nên câu chuyện đành bỏ dở.

**

Về lại Houston, câu chuyện ngày xưa mà Luân gợi lại khi nói chuyện với mẹ nàng trên xe, làm Thủy cứ miên man nghĩ ngợi, như một cuộn phim dĩ vãng quay về. Hồi đó chính quyền quốc gia vừa tiếp thu tỉnh Bình Định sau 10 năm kháng chiến, gia đình Thủy cũng như đồng bào toàn tỉnh đều có được một cuộc sống tương đối yên vui trong thanh bình. Cha Thủy là một công chức làm trong ngành hỏa xa, còn mẹ nàng thì quán xuyến việc gia đình với một cửa hàng tại Tam Quan buôn bán những mặt hàng nông thổ sản, gia đình Thủy được xem như một bổn mà hai quê. Những ngày cuối tuần Thủy thường được mẹ cho đi Quy Nhơn thăm cha và mang những thức ăn mà mẹ đã làm sẵn vào cho cha nàng. Mùa hè năm đó Thủy vừa tròn 16 tuổi, học xong lớp đệ ngũ, gặp Luân trên chuyến tàu rồi sau đó gặp lại Luân tại nhà, mà sau nầy quen nhau Luân cứ nhắc lại như một định mệnh an bài cho hai đứa. Thật tình mà nói lúc đó Thủy chỉ xem cuộc gặp gỡ như một chuyện tình cờ, mặc dầu lúc gặp Luân trên tàu nàng có một cảm giác khác lạ vì lần đầu tiên có người khác phái cùng trang lứa chú ý đến mình một cách không bình thường, trong cái nhìn của chàng có chút gì say đắm, làm nàng thấy ngượng, ngượng một cách dể chịu, và khi nàng bưng nước ra mời khách thì nàng rất ngạc nhiên, và dường như trực giác cho nàng biết rằng nàng có một chút ràng buộc gì với anh chàng trẻ tuổi nầy.

Rồi một ngày giáp Tết như mọi năm, năm đó Luân cũng mang một nhành mai thật đẹp từ Bồng Sơn ra tặng gia đình nàng, cũng là lúc Thủy được nghỉ học vào dịp Tết. Nàng đang loay hoay giúp mẹ làm những món bánh, mứt chuẩn bị cho ngày Tết thì Luân đến. Lần nầy gặp nhau Thủy thấy Luân rất hoạt bát, nói năng rất tự nhiên, qua những lời đối đáp thăm hỏi giữa chàng và mẹ nàng. Rồi mẹ nàng lại giới thiệu chàng với nàng: “Đây là cậu Luân con anh Năm ở Bồng Sơn, năm nào anh Năm cũng sai cậu Luân mang ra tặng nhà mình một cành mai, con đi học xa nên chưa có dịp gặp nhau, thôi hai đứa nói chuyện với nhau, để mẹ xuống làm cho xong công việc, Luân ở lại ăn cơm trưa với bác và em Thủy rồi hãy về”.

Còn lại hai người trong phòng khách, Luân như sợ mất một cơ hội, chàng vội nói:

- Cô Thủy nè, hôm hè gặp cô trên tàu sau đó vào thăm bác trai lại gặp cô đã cho tôi một sự ngạc nhiên kỳ lạ. Bây giờ gặp lại cô ở đây tôi có cảm giác khác với những năm trước tôi ra đây, vì hình như nhà nầy có một mãnh lực gì đó thu hút tôi vậy.

- Nói thực lòng không đó, không khéo rồi ôm hận nghe chưa. Thủy đáp lại.

Luân hơi chột dạ, vì chẳng ngờ một cô gái trông dịu dàng, nhút nhát, thơ ngây như Thủy lại có thể nói được một câu già giặn và dày dạn như thế nầy. Chàng hơi bối rối nhưng tiếp lời ngay:

- Tôi nói thực tình mà, không phải là lời tán tỉnh đâu, vì lâu nay tôi xem hai bác như cha mẹ tôi vậy, xem nhà nầy như nhà mình mà không biết rằng trong ngôi nhà nầy có một người đẹp thì thực là vô tâm. Thủy không thấy bác gái khi nãy nói gì sao. Tôi thành thật xin lỗi Thủy.

Rồi hai người trao đổi với nhau những chuyện không đâu, thời tiết, khí hậu, và những chuyện vui buồn nơi cửa lớp sân trường, đêm văn nghệ cuối năm vừa qua của trường mình vui như thế nào. . .

Những tháng năm tiếp theo, Thủy thường nhận những lá thư của Luân với những lời thăm hỏi ân cần như một người thân trong gia đình chứ tuyệt nhiên không có một câu nào tán tỉnh nàng. Vào những dịp lễ lớn hay nghỉ hè, Luân thường báo trước cho Thủy biết chàng sẽ ra thăm Thủy và gia đình nàng, trong thư chàng cũng mong được Thủy hướng dẫn đi xem những danh lam thắng cảnh của đất Tam Quan. Rồi Thủy đã cùng Luân đi viếng khu “Mã A Sầu”, Hang Dơi nơi bãi biển Trường Xuân, Cấm An Sơn, Biển Thiện Chánh, và Nhà thờ Gia Hựu … Kỷ niệm êm đềm làm Thủy nhớ mãi là dịp họ viếng nhà thờ Gia Hựu. Một ngôi giáo đường xây theo kiểu tây phương cao đẹp, nằm trên một khu đất rộng có hàng tre là-ngà vây quanh, nhìn xuống một cánh đồng lúa chín vàng, xa xa là rừng dừa xanh, sau lưng là núi non trùng điệp một màu xám ngắt của dãy Trường Sơn hùng vĩ uy nghi. Nơi đây ngày xưa có trường trung học Đặng Đức Tuấn. Vừa đi Luân hát khe khẻ bài Nắng Chiều rồi đến đoạn cuối chàng hát lớn và đổi lời một chút: “Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà. Gợn buồn nhìn em, anh nói yêu em. Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi. Nhìn em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…”. Luân dẫn giải: Thủy biết không, đây là quê hương của bài Nắng Chiều khi tác giả của nó, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đang làm Thư Ký của trường Đặng Đức Tuấn, ông đã sáng tác ra bài hát nầy. Không biết mối tình của ông với ai và khi nào mà thật là thơ mộng nhưng sao buồn quá, cái cảnh “về qua sân vắng, về nương dâu úa, chân bước không hồn, nhớ câu thề tim tái tê, duyên ghé về đâu, giọng hát câu hò thôi hết đưa, bóng yêu kiều biết đâu mà tìm…” thì thật là não nuột, thê lương quá chừng. Lạy chúa tôi! xin đừng để cho những cuộc tình duyên phải thương lỡ vỡ xảy ra trên cõi đời nầy nữa… Luân nói như là một lời cầu xin cho chính mình. Bỗng Luân nắm tay Thủy, kéo Thủy đứng đối diện, nâng nhẹ hai tay nàng và nói như vừa đủ nghe: “Anh yêu em”. Thủy thật bất ngờ, không kịp phản ứng như thế nào, nhưng một cảm giác lâng lâng khó tả đang chạy khắp người nàng. Nàng đứng bất động và đón nhận một nụ hôn đầu đời. Họ đã yêu nhau.

Chín năm sống thanh bình dưới thời đệ nhất cộng hòa rồi cũng qua nhanh. Sau khi anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh giết chết thì Miền Nam xem như sụp đổ. Cộng quân đã gia tăng hoạt động, cảnh chiến tranh phủ tràn khắp nơi, khủng bố, ám sát, pháo kích, người chết xảy ra hàng ngày. Những người có liên quan đến phía quốc gia đều phải dời về thành phố cư trú. Người dân Miền Nam phải sống cảnh một cổ hai tròng. Gia đình nàng dời về Sài Gòn, cha nàng xin nghỉ việc ở ngành hỏa xa và chuyển sang ngành vận tải tư, mở công ty chuyên chở hàng hóa từ Sài Gòn về các tỉnh và ngược lại. Gia đình Luân dời về Quy Nhơn cũng là lúc chàng tốt nghiệp xong bậc trung học. Hồi đó tương lai của thanh niên có bằng cấp Tú Tái chỉ có hai con đường rộng mở, hoặc là được động viên hay là tự nguyện vào các trường võ bị đào tạo sĩ quan, hoặc lêu bêu ở các trường Luật khoa, Văn Khoa, Khoa Học… để chờ những kỳ thi tuyển hằng năm vào các trường đại học chuyên nghiệp ở Sài Gòn như Sư Phạm, Kỷ Sư Phú Thọ, Y khoa, Dược Khoa, Nông Lâm Súc, Quốc Gia Hành Chánh… Luân ghi danh học Luật được một năm thì chàng thi đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh. Đây là cơ may để chàng có dịp gần gũi với Thủy vì chàng và nàng được cùng sống tại Thủ Đô, nhưng cái cớ mà chàng thường đến thăm Thủy ít nhất mỗi tháng một lần là cha Luân thường gởi tiền vào cho chàng đều qua những chuyến xe tải của công ty cha Thủy. Luân và Thủy lại có dịp gần nhau hơn qua những cuộc đi picnic cuối tuần khi thì ở Thảo Cầm Viên, lúc thì lên những vườn cây ở miệt Lái Thiêu, Thủ Đức, Biên Hòa… Có lúc Thủy và Luân cũng có bàn đến chuyện hôn nhân, nàng muốn làm đám cưới cho xong, nàng sẽ ở với cha mẹ nàng, còn chàng muốn bay nhảy đến những phương trời viễn mộng nào cho thỏa chí nam nhi đều cũng được. Nhưng Luân nhất mực cho rằng chàng không thể chịu đựng nổi cái cảnh vợ chồng phải sống xa nhau kẻ nhớ người trông, rồi đùng một cái, một trường hợp đau đớn nào đó xảy ra, người ra đi thì không nói làm chi chứ kẻ ở lại thì vô vàn đau khổ dở dang cả một đời. Chàng sẽ nói đến chuyện lập gia đình khi biết rằng mình đã ổn định được cuộc sống.

Phải nói Luân chiếm được cảm tình của cha mẹ Thủy nhờ ở hai gia đình quen nhau từ trước nhưng phần lớn cũng nhờ vào tư cách và tài năng của chàng. Những cuộc trà dư tửu hậu giữa những ông bà già Bình Định xa quê trong thời buổi chiến tranh ly loạn thường là những chuyện chính trị, tình hình chiến trận, trên trời dưới đất, đông tây kim cổ không thiếu chuyện gì. Chuyện đánh giá về tương lai của những thanh niên trẻ của tỉnh nhà cũng không thể thiếu, con ông nầy vừa thi đậu vào đại học, con bà kia vừa mới tốt nghiệp dược khoa, y khoa; thằng đó xem thế mà giỏi, thằng kia coi vậy chứ chẳng ra gì…Luân vẫn thường được các ông bà đề cập đến trong niềm tin tưởng và tự hào của quê hương “địa linh nhân kiệt”. Nên nhiều buổi trà đàm Luân cũng được gọi đến dự phần góp chuyện. Một hôm trong bữa cơm tối gia đình, cha Thủy nói như để một mình ông nghe: thằng nhỏ nó nói có khi cũng đúng. Mẹ Thủy hỏi: ông nói thằng nhỏ nào nói cái gì mà đúng với không đúng. Cha Thủy đáp, thằng Luân đó chớ ai, nó mới vào trường Hành Chánh có mấy năm, ở đó người ta đào tạo thế nào mà nó có lối lý luận rất vững chắc, sâu sắc và chặt chẽ, mà dường như còn thấy xa trông rộng là đàng khác. Thủy lại chen vào: Nhưng ảnh nói thế nào mà cha khen dữ vậy? Cha Thủy từ từ nói: Trước hết những người già như cha đây mà có khi bị bọn báo chí nó làm rối tung không biết được hư thực của sự việc như thế nào, Hôm qua mấy cô chú bàn cải về cuộc chiến tranh Việt Nam, người thì cho rằng đây là cuộc nội chiến, người lại gọi đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ, có người lại cho rằng đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm… Thằng Luân thì cho rằng tất cả những lập luận đó đều mằm trong sự mê hoặc qua sự tuyên truyền của Cộng Sản, vì mục đích của Cộng Sản là muốn dành chính nghĩa để tranh thủ nhân tâm mà thôi, chứ thật ra đây chỉ là một cuộc xăm lăng và bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản. Mà mục tiêu như thế nên phe Cộng sản làm gì có chính nghĩa, còn bên quốc gia của chúng ta vì có chính nghĩa, vì chúng ta chiến đấu để tự vệ, chiến đấu cho tự do và dân chủ, nhưng yếu thế phải nhờ cậy đến đồng minh thì nhiều người nông nổi, những chính trị gia gà mờ đã vội cho là thế nầy thế nọ, có bàn tay lông lá xen vào, nên họ cứ tưởng rằng chúng ta không còn chính nghĩa. Thằng Luân còn cho thấy một viễn ảnh, đất nước rồi sẽ đi về đâu, các cô bác cũng còn hồ nghi nhưng không ai phản bác cả, riêng cha thấy thì nó nói cũng có lý. Mẹ Thủy hỏi: vậy thì nó tiên đoán quốc gia mình sẽ ra sao vậy ông. Cha Thủy nói: Nó nói rằng cuối cùng chúng ta sẽ thắng, nhưng không lâu thì Cộng Sản sẽ chiếm Miền Nam, vì mục tiêu của Cộng Sản là phải đánh thắng, phải chiếm cho được Miền Nam để bành trướng chủ nghĩa chứ không phải vì thống nhất nước nhà, vì độc lập dân tộc hay vì phát triển đất nước. Do đó, việc Hòa Đàm Ba Lê chỉ là việc làm thừa thải, mấy ông Mỹ thì muốn trấn an bọn phản chiến, còn bọn cộng sản thì chỉ để hoản binh và tuyên truyền, khi nào cơ hội đến thì chúng sẽ đánh rốc tới Sài Gòn, cơ hội đó là lúc Mỹ rút hết quân ra khỏi Miền Nam, là Mỹ chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa …

Với cái nhìn và nhận xét về Luân như thế nên cách đối xử và những cảm tình mà cha mẹ Thủy dành cho Luân cũng có một vị trí đặc biệt và nó cũng có ảnh hưởng lớn lao thuận lợi trong vấn đề tình cảm giữa hai người. Khi nghe có người cho rằng các ông Quốc Gia Hành Chánh là những ông thư lại, sớm vác ô đi tối vác về, trốn nguy hiểm trong chiến tranh, không ngang tàng như những sĩ quan tác chiến, hoặc bay bướm bằng những chàng sĩ quan phi công, hải quân. Nhưng Thủy lại nhìn thấy ở Luân rất có tâm với đất nước, chàng theo dõi tình hình rất sát, suy nghĩ, phân tích về các vấn đề quan trọng của nước nhà, chàng có những hoài bão và quyết tâm thực hiện. Những việc làm của chàng cũng đầy nguy hiểm và không thiếu những chuyện bất trắc có thể xảy ra, chàng dấn thân trong những hoạt động chính trị và đấu tranh cho lý tưởng của mình. Nhìn khuôn mặt đầy đặn của chàng, thì ở một người đàn ông phải được xem là phúc hậu và rất tình cảm, tuy nhiên nhìn kỷ vẫn có những nét bướng bỉnh, nhất là khi chàng bất bình mới thấy được cái quyết liệt trên khuôn mặt đó. Còn bay bướm và hào hoa thì thực tế trả lời tại ký túc xá của học viện, nơi ở dành cho những chàng sinh viên phong lưu hành chánh, người ta thấy xe cộ tấp nập và không bao giờ vắng bóng giai nhân, vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngẫm lại lời nói của O. Pirmez “Người đàn bà chỉ yêu những người họ kính trọng”. Thủy rất kính trọng Luân và nhiều lần hỏi lòng nàng thấy mình đã yêu Luân thực sự.

Thời gian rồi cũng qua nhanh, Lễ tốt nghiệp Cử Nhân Ban Công Pháp trường Luật Khoa Sài Gòn đồng thời với Lễ tốt nghiệp Ban Đốc Sự ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh của Luân đã đến. Ngày chàng lên đường nhận nhiệm sở tận ngoài Miền Trung chàng đến chào cha mẹ Thủy, nhưng tuyệt nhiên chàng cũng không đề cập gì đến chuyện của hai người, khi ra về chàng nháy mắt cho Thủy theo ra ngoài rồi hẹn Thủy ngày hôm sau sẽ gặp nhau ở một quán vắng thường gặp ở ngoài xa lộ. Thủy đã dự định trong đầu là lần nầy sẽ trách Luân về chuyện kéo dài thời gian, không sớm lo việc hôn sự hay ít nhất là cha mẹ Luân phải vào Sài Gòn một chuyến để các ông bà già lâu ngày có cơ hội gặp nhau, sau là có lời đính ước cùng cha mẹ nàng. Nhưng khi vừa ngồi vào bàn là Luân đã mở lời trước: “Trước hết, anh xin lỗi Thủy là đã làm em hồi hộp chờ đợi cái ngày mà cha mẹ anh sẽ vào gặp hai bác để tính chuyện của chúng ta. Em hãy yên tâm, trên đường nhận nhiệm sở anh sẽ ghé về gia đình trước để thưa chuyện với cha mẹ anh rồi sau đó anh mới ra nhiệm sở. Anh nghĩ rằng trong năm nầy thế nào mọi chuyện cũng đâu vào đó. Tin tưởng anh em nhé. . .”. Thủy thấy dường như Luân đang nhìn thấu trong đầu mình, bao nhiêu những điều Thủy dự định nói, dự định trách móc thảy đều được Luân nói ra tất cả, nên cuối cùng Thủy chỉ biết nói: “Em tin tưởng tất cả nơi anh”. Rồi nàng lại thừ người ra, nghĩ đến những việc sắp xảy ra có được như Luân đã hoạch định hay không, hay những thay đổi kinh hoàng gì có thể xảy đến. Nàng với Luân rồi sẽ ra sao, có còn sống gần nhau? Còn gặp lại nhau ? Sao lúc nầy nàng thấy mình rất cần đến Luân quá đổi. Mấy hôm nay chỉ nghĩ tới vấn đề giữa hai người, bây giờ nàng chợt nhận ra Luân đối với nàng thật khá quan trọng… Biết người yêu đang lo lắng, Luân tìm cách chuyển đề tài qua cuộc sống của những người bạn thân đang ở rất xa họ.

Ba tháng sau khi Luân đi nhận nhiệm sở, vào một buổi sáng Thủy cầm tờ Chính Luận đọc tin sớm như mọi ngày, nàng bàng hoàng khi đọc cái tít lớn nơi trang nhất “Quận Hoài Ân thất thủ, Trung Tá Quận Trưởng tử thương, Phó Quận Trưởng mất tích”, tờ báo rời khỏi tay nàng lúc nào không hay. Thủy bật khóc thành tiếng rồi chạy thẳng vào phòng nằm vật vã trên giường. Suốt cả tuần nàng phờ phạc cả người, không ăn được ngủ được. Đầu óc Thủy quay cuồng, ở đâu cũng thấy hình ảnh Luân thấp thoáng, mờ nhạt qua dòng nước mắt, tất cả những hình ảnh ấy làm cho trong nhớ thương có pha thêm nhiều hương vị đắng cay. . . Khi quận lỵ được tiểu đoàn Trâu Điên ra giải tỏa và tình hình chiến sự đã lắng dịu, Thủy xin phép cha mẹ ra tận nơi để thăm hỏi tin tức về Luân, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín, những sĩ quan và binh lính có mặt tại quận trước giờ bị tấn công mỗi người đều nói một khác, nhưng mọi người đều phỏng đoán rằng Luân đã chết trên chặng đường rút lui vô rừng. Về lại Sài Gòn với tâm trạng buồn bã, với bao hy vọng đều tan biến, nàng không còn muốn giao thiệp với ai ngay cả các bạn gái đang học Văn Khoa với nàng, có lúc nàng chỉ nghĩ đến cái chết….

Nỗi buồn nào rồi cũng ngui ngoa theo thời gian. Trong suy tư Thủy chợt nhớ lời Luân đã từng nói với nàng rằng mọi chuyện trên đời chắc chắn phải có sự kết hợp theo nhân duyên của nó, ví như một giọt nước được đưa vào trong cơ thể con người, lại có một phần trở thành nước mắt, có phần lại trở thành nước tiểu, nên trong mỗi chúng ta họp tan, phân ly đều phải tuân theo lẽ đó, vậy thì có gì phải buồn lòng khi sự việc xảy ra không như ý muốn chúng ta. Nàng thầm cảm ơn Luân khi chàng có một quan niệm hôn nhân rất thoáng nếu không giờ nầy nàng đã mang tiếng là một quả phụ khổ đau. Nàng quyết định đi học lại, lấy lại quân bình và bắt đầu một cuộc sống mới…

Một buổi trưa thứ Bảy, khi ở thư viện về Thủy thấy cha mình đang tiếp khách nhưng không ai xa lạ một vị linh mục có họ hàng với nàng, một vị dân biểu quốc hội là bạn thân của cha nàng và một vị sĩ quan hải quân trẻ tuổi. Tối hôm đó cha nàng gọi nàng vào phòng riêng cho biết vị sĩ quan trẻ tuổi đã nhờ những người quen với gia đình mai mối muốn cầu hôn với Thủy. Cha nàng nói hôn nhân đại sự là chuyện của nàng, nên mọi quyết định là do nàng, cha mẹ chỉ là những người góp ý qua những kinh nghiệm của tuổi đời có được, vậy thì nàng hãy suy nghĩ rồi có gì không thông thì cho cha mẹ biết. Thủy nói với cha nàng, xin cho nàng hai năm sau sẽ trả lời, nếu vị sĩ quan đó có kiên nhẫn chờ đợi. Nàng nói với cha rằng đó là thời gian cần thiết cho hai bên tìm hiểu nhau. Nàng cũng thầm nghĩ mặc dù nàng và Luân không cho cha mẹ biết chuyện họ đã yêu nhau nhưng nếu biết được chắc cha mẹ cũng bằng lòng, bây giờ Luân mất tích nên nàng cũng phải dành chút thời gian để sống cho hết tình nghĩa với nhau. Trong thâm tâm nàng nghĩ rằng biết đâu Luân sẽ trở về. Nhưng Luân đã không trở về và giữ đúng lời hứa, hai năm sau nàng đã lên xe hoa.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, khi mà bầu trời Sài Gòn đang vần vũ như khóc than cho vận nước, thì bên trong hội trường của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa thầy Trần Văn Hương tuyên bố rằng “trò Dương Văn Minh bắt buộc thầy phải trao cái khăn ‘Mùi-Soa’ cho trỏ” trước sự chứng kiến của đám dân biểu và thượng nghị sĩ, có nghĩa là một ông Tổng Thống được Hiến Pháp công nhận, đang trao quyền cho một người nào đó mà không cần dựa vào một điều khoản nào của Hiến Pháp quy định, thì đích thị những nhà lãnh đạo đang tự treo cổ mình, Quốc Hội đã xé toạc cái văn kiện pháp lý căn bản mà mình làm ra, còn cái ông thạc sĩ luật, giáo sư trường luật đã từng cạo đầu phản đối việc làm “độc tài và gia đình trị” của một Tổng Thống thì bây giờ tự nhận là Thủ Tướng và làm một chuyện vô pháp luật như thế nầy, thì Thủy nghĩ rằng nước đã mất nên nàng hối thúc chồng hãy xuống tàu sang Hoa Kỳ cho sớm. Chồng nàng là Hạm Trưởng một hạm đội của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển Thái Bình con tàu chở cả ngàn người đã cập bến đảo Guam, một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ, mọi người dù là Hạm Trưởng cũng đều phải rời tàu để vào trại tị nạn đã được thiết lập sẵn trên đảo. Tại đây Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ làm những thủ tục pháp lý cần thiết và xét theo đơn xin của từng người mà sẽ được phân bổ cho đi định cư ở một nước thứ ba. Gia đình của Thủy được đưa đến trại Fort Chaffee, sau đó được gia đình một người Mỹ trắng bảo trợ để về định cư tại Houston, Texas. Nhờ đem theo một số vốn nên buổi ban đầu gia đình Thủy không phải vất vả lắm trước cuộc sống mới, hơn nữa gia đình Thủy đã có kinh nghiệm trong chốn thương trường nên việc làm ăn sau đó tiến triển rất tốt.

Riêng chồng Thủy cũng giống như phần đông các sĩ quan khác, vì quen với nếp sống hào hoa bay bướm nên đã không đem lại cho Thủy một niềm vui trọn vẹn, nàng đành phải ly dị mặc dù sau một thời gian định cư dài và nay đã có cháu nội ngoại.

**

Phần Luân trong trận tấn cộng của địch vào quận lỵ, chàng đã bị bắt làm tù binh nhưng vì bị thương nhẹ nên chàng được lực lượng địch chuyển sang một trạm xá dưới chân dãy Trường Sơn và sau khi khai thác chàng bị xếp vào loại “nguy hiểm cho cách mạng” nên khi vết thương lành hẳn, chàng bị đưa thẳng ra Miền Bắc và được giam giữ tại một nhà tù tận tỉnh Lao Kay, do đó không một ai quen biết gặp được chàng sau cái ngày cộng quân chiếm quận lỵ. Sau 30 tháng 4 năm 1975, chàng bị chuyển qua nhiều trại giam trong một thời gian dài, sau cùng chàng được “tạm tha” và bị chỉ định nơi cư trú. Chàng phải đi lao động sản xuất tại khu kinh tế mới Thuần Mẫn thuộc tỉnh Daklac. Trong khi chặt cây phá rừng một trái mìn phát nổ làm chàng bị thương nặng và được đưa vào bệnh viện Daklac để chữa trị. Na Lang một y tá người sắc tộc Gia Rai săn sóc vết thương cho chàng. Na Lang đã kết hôn với Siu Hóa và có một con, Siu Hóa thành viên trong tổ chức Fulro, đang bị nhà nước Cộng Sản truy lùng nên phải chạy sang đất Thái, nghe đâu được chính phủ Hoa Kỳ cho tị nạn và hiện định cư tại North Carolina. Na Lang rất mến Luân, có lần nàng đã tỏ tình cùng chàng, nhưng Luân vẫn giữ lập trường cũ về chuyện lập gia đình, chàng nghĩ rằng cuộc đời chàng chưa ổn định, lập gia đình cũng chỉ làm khổ người đàn bà thương mến chàng mà thôi, hơn nữa sau đó chàng biết được Siu Hóa lại là bạn học cùng khóa với chàng ở trường Quốc Gia Hành Chánh. Nhân được chính phủ Hoa Kỳ và Hà Nội thỏa thuận cho những tù nhân cải tạo được đi định cư tại Hoa Kỳ, Luân thấy rằng nhân đây chàng có thể trả ơn Na Lang đã săn sóc tận tình để cứu sống chàng và chàng có bổn phận phải giúp gia đình bạn sum hợp, nên chàng đã đề nghị cùng Na Lang ý định của mình là họ sẽ kết hôn trên phương diện giấy tờ, và giao ước rằng khi nào đến Hoa Kỳ, Na Lang sẽ sang North Carolia với Siu Hóa, chồng nàng.

Luân định cư tại California theo chương trình tị nạn chính trị “ diện HO 15” vào năm 1996. Một tháng sau qua Hội CSV/QGHC Na Lang đã liên lạc được với Siu Hóa. Trong buổi chia tay đi North Carolia, Na Lang đã đổ nhiều nước mắt, còn Luân thì cũng bùi ngùi nhưng cảm thấy trong người rất thỏa mái. Bạn bè khắp nơi tới tấp gọi điện thoại hỏi thăm và chúc mừng chàng đã đến được bến bờ tự do. Được bạn bè đến trước hướng dẫn, chàng lăn xả ngay vào cuộc sống bằng một công việc full time ở một công ty fast food, thì giờ còn lại chàng viết sách, và giao tiếp với bạn bè… Hơn một tháng nữa thì đám bạn cùng trường với chàng ngày còn ở trung học sẽ họp mặt thường niên, họ yêu cầu chàng đứng tên trong ban tổ chức để phát thư mời đi khắp nơi, chàng đồng ý ngay.

Nhận thư mời tham dự họp mặt năm ấy, Thủy phát hiện một tên mới đứng trong ban tổ chức, nàng sinh nghi nên gọi liền cho Phan, một người bạn rất thân trong ban tổ chức họp mặt hằng năm để hỏi rõ tên Luân là ai, và được Phan xác nhận là ông Phó Quận bị mất tích ở Hoài Ân trong chiến tranh. Nàng gọi liền điện thoại cho Luân :

- Hello, xin cho tôi được gặp ông Luân.

Bên kia đầu giây tiếng Luân sang sảng như ngày nào:

- Thủy đó hả, chào em, rất mừng được gặp lại em, cứ tưởng là …

Không đợi Luân nói tiếp, Thủy nói:

- Ông biết tôi là ai, mà mừng, mà tưởng…

Vẫn lối nói dùa cợt ngày nào, Luân nói:

- Người mà tôi yêu thương suốt đời, hình bóng đang ở trong tim tôi, chẳng lẽ nghe giọng nói mà không nhận ra được sao ?

Đến đây thì Thủy không kiềm được cảm xúc, nàng bật khóc rưng rức…. làm Luân cũng đâm bối rối, đang lựa lời để an ủi nàng… bỗng Thủy ngưng tiếng khóc, nàng nói không ngừng nghỉ, những ấm ức mà nàng mang nó suốt mấy chục năm rồi, chung quy nàng trách cái tính thẳng thắn không chịu quỳ lụy của chàng, không chịu nghe lời nàng nên mới ra nông nỗi mỗi người một ngã… Nàng nói như để chấm dứt câu chuyện :

- Cuộc họp mặt kỳ nầy bà già bả khăng khăng đòi đi cho được, để được gặp anh. Liệu hồn mà trả lời đó nghe.

- Em yên chí, bác cũng như em muốn hài tội gì anh cũng chấp nhận hết.

Gặp lại Luân, mẹ con nàng như bị chàng thu phục. Chàng như đoán trước những gì mà mẹ nàng và nàng muốn nói nên chàng đã nói trước tất cả. Phần mẹ nàng cũng thương chàng như con nên cũng không muốn nặng lời trách móc chàng làm gì sau mấy chục năm mới gặp lại trong sự mừng tủi. Trên đường về lại Houston sau buổi họp mặt Thủy nói với mẹ. Mẹ định nói gì với anh Luân sao không thấy mẹ lên tiếng mà chỉ nói được có một câu vậy. Mẹ nàng nói : Hồi giờ tao và cha mầy cũng xem nó như tụi bay, thì còn trách cứ làm gì. Xem ra nó còn thương mầy lắm, nhưng làm sao thì làm đừng để tụi cháu nhỏ nó buồn.

Mùa hè năm đó họ gặp nhau trên chuyến du thuyền Princess Cruises ở Hawaii. Bảy ngày họ du lịch trên năm hải đảo lớn và sống trong cảnh thần tiên của một chuyến hải hành, họ nói với nhau những điều muốn nói và trao cho nhau những gì có thể. Một buổi chiều du thuyền vừa cập bến Honolulu, đứng bên nhau trên sân thượng cao nhất của chiếc du thuyền nhìn cảnh mặt trời lặn xuống biển Thái Bình Dương bất giác Thủy hỏi Luân:

- Bao giờ thì anh cho em biết cuộc sống của anh đã ổn định để cần có một mái ấm ?

Ý Thủy muốn khơi lại để khuyên Luân phải tìm một ý trung nhân mà xây dựng một mái ấm gia đình, và để bù lại cho Luân những tháng ngày cực khổ và cô đơn. Nhưng Luân lại hiểu theo ý khác, chàng nói:

- Thủy ơi! Anh yêu em lắm như anh đã nguyện suốt đời, nhưng bây giờ chúng mình đã già rồi. Anh còn độc thân thì không nói làm chi. Nhưng anh không muốn em phải nghe những đứa cháu nhỏ của em nói với ai đó rằng “bà nội/bà ngoại của tôi vừa lên xe hoa đi lấy chồng”. Cảm ơn em đã cho anh những giờ phút hạnh phúc như thế nầy, anh còn muốn nói gì và muốn làm gì hơn nữa!

Thủy quàng tay qua cổ Luân, nàng nói cho hai người đủ nghe:

- “Tình anh vẫn như thơ…”

Luân nói bên tai Thủy:

- “Tình em vẫn như mơ…”

Lê Nguyễn

(Chuyện hoàn toàn hư cấu, nếu có sự trùng hợp xin được thông cảm là ngoài ý muốn của tác giả)


No comments:

Post a Comment