17 November 2010

Sưu khảo

Chuyên gia tư vấn triết học
Sầu Đông

Để đầu óc trống rỗng
"là trạng huống hiện hữu khắp nơi trong xã hội ngày nay"

Có lẽ bạn ngán triết học vì nó khô khan, khó hiểu? Bạn ngại triết học vì nó thường tỏ ra áp đặt, giáo điều? Bạn xem thường triết học vì nó mông lung, vô bổ? Xin bạn hãy bình tâm một chút! Họp nhân viên lại, liệu kiến thức chuyên môn đơn thuần có đủ để giúp bạn “động viên” được họ? Bạn vẫn thường phải dùng đến những lời có cánh đó thôi! Giải quyết việc lương bổng hay… đền bù giải toả, chẳng lẽ người ta không một phút thoáng nghĩ đến khái niệm “công bằng”? (Hình: Web "Chúng Ta)
04/06/2010

Bài viết đã luận chứng để làm rõ rằng, đòi hỏi cơ bản nhất của triết học Mác là hướng tới đời sống hiện thực cụ thể, phát hiện trong đó những vấn đề khó khăn cần giải quyết. Theo tác giả, để cung cấp cho các hoạt động thực tiễn của con người sự suy tư về các lý tưởng và mục tiêu, triết học cần nghiên cứu hiện thực, đứng vững trên hiện thực và vượt lên trên hiện thực, phải trình bày về lý tưởng và “giá trị /tốt”.
01/09/2009

Quyển sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Ideas of the Great Philosophers" của William S. Sahakian , Trưởng Khoa Triết Trường Đại Học Suffolk và Mabel Lewis Sahakian, giảng viên Triết tại Trường Đại Học Northeastrn. Hai học giả nói trên (cả hai đều là Tiến sĩ triết học ) đã dày công biên soạn và tóm lược hàng trăm luận thuyết triết học phương Tây của hàng chục triết gia vĩ đại , tính từ trước thời của Socrates cho đến thời đại ngày nay.
12/01/2009

Chưa có nhà khoa học nào khẳng định được lúc nào, giai đoạn nào trong đó đã xẩy ra sự chuyển hoá quyết định khiên con vật kể trên kia thành con người. Vấn đề không cần đặt ra ở đây và ta chỉ cần xác định yếu tố quyết định sự biến đổi về phần này - yếu tố làm cho con người khác con vật đó là sự đột khởi của tự do, của ý thức. Tự do, ý thức như vậy là hai đặc tính của con người với tư cách là người.
18/04/2007

Việc nghiên cứu và giảng dạy triết học vẫn còn yếu kém, bất cập. Nhiều vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra chưa được các nhà triết học nghiên cứu đầy đủ và do đó, chưa có sự trả lời thoả đáng. Công tác giảng dạy triết học chưa khắc phục được tình trạng "thầy không thích dạy, trò không thích học". Cần làm gì để khắc phục những yếu kém trong nghiên cứu và giảng dạy triết học ở nước ta?
14/05/2003

Hãy đừng tự dối mình! Chúng ta tất cả - kể cả những chuyên gia trí thức - thiếu suy tư và dễ dàng để đầu óc trống rỗng. "Để đầu óc trống rỗng" là trạng huống hiện hữu khắp nơi trong xã hội ngày nay. Ngày nay chúng ta tiếp thụ quá nhanh và không lao lực mọi sự để mà vội vã hay tức khắc quên đi. Từ hội thảo này sang hội thảo khác; những dịp khánh lễ càng ngày càng nhiều và vô ý thức. Những dịp khánh lễ và "để đầu óc trống rỗng" sẵn cứ thế mà tiếp tay nhau.

Triết học là môn học đòi hỏi người học phải “lao tâm khổ trí”. Ðối với một số người, nó là môn học hấp dẫn, dẫn ta tới kho tàng bất tận của những túi khôn của nhân loại: từ những bậc thầy lẫy lừng thời xa xưa như Khổng, Lão, Phật… ở Phương Ðông; rồi Plato, Socrates, Aristotle,… ở Phương Tây, cho chí những triết gia cận và hiện đại như Kant, Descartes, Hegel, Marx, Heidegger, Sartre… mà những công trình của họ đã ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ của nhiều thế hệ. Tuy thế, không ít người trong chúng ta thường coi triết là môn học khô khan, phức tạp, khó hiểu bàn về đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, và thường dè bỉu những người thiếu thực tế là những “triết-gia-đi-trên-mây” hoặc bỡn cợt những kẻ không mấy xông xáo, tích cực trong cuộc sống là “triết-nhân-giữa-dòng-đời".

Ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 các giáo sư dạy triết tại các trường đại học như Nguyễn Ðăng Thục, Lương Kim Ðịnh, Trần Văn Hiến Minh,… rất được sinh viên quí trọng; thế hệ các giáo sư trung học về môn triết xuất thân từ các trường Ðại học Sư phạm, Ðại học Văn khoa ở Sài Gòn, Ðà Lạt, Huế vào những năm đầu thập niên 60 đã góp phần tích cực trong nhiều sinh hoạt văn hoá, giáo dục tại Miền Nam. Và đặc biệt, cuộc sống (vật chất) của nhiều người trong số này có thể nói được là dễ chịu. Không ai ở Miền Nam phải chịu cảnh bị hắt hủi, cô lập thê thảm như triết gia kiêm giáo sư triết học Trần Ðức Thảo, và câu “ăn như sư, ở như phạm, nói như lãnh tụ” có thể dùng cho phần lớn các giáo viên dạy triết (triết học Mác-Lênin) ở Miền Bắc.

Sau năm 1975, ở Miền Nam, cuộc sống của các giáo viên (các “giáo sư”, như qui định trước kia) sa sút, đặc biệt là các giáo sư dạy triết. Một số người được “lưu dung”, chưa “mất dạy” nhưng phải chuyển qua dạy những môn học khác và thường được đưa xuống dạy các lớp dưới. Với những kẻ thực thụ “mất dạy” thì quả đúng là thảm thê, thê thảm! Một số người lúc nào cũng ngơ ngơ, ngáo ngáo như kẻ mất hồn, không biết phải làm gì để sống vì không đủ tháo vát để “bươn trải" với đời trong giai đoạn lịch sử quá ư nhiễu nhương ấy.

Trong một truyện ngắn của Tiêu Dao Bảo Cự có tựa là Tiếng Đàn Ta thấy số phận thê thảm của một cựu giáo sư trung học về môn triết trong lòng cái xã hội nghiệt ngã mới: thường trực đói xanh người, thường trực loay hoay với mớ chữ nghiã không tiêu hoá được. Khi có người bà con từ ngoại quốc về cho một số tiền thì “chàng” dùng toàn bộ số tiền cho đóng một cây đàn organ, để những lúc sầu đời, chàng nhấn những phím đàn đưa hồn chàng lên chín tầng trời. Con chàng ngán chàng (vì chàng cứ ì ra, chẳng cày cuốc gì nổi), vợ chàng chán chàng vì nàng và đứa con gái lớn là hai lao động duy nhất trong nhà phải kiếm gạo cho cả nhà!

*

Các đồng nghiệp của ngài giáo sư nói trên trên đất Mỹ được hưởng nhiều thứ hơn ngài rất nhiều: từ tự do đến tiền bạc. Tự do nhiều nên đòi hỏi cũng nhiều! Ðiển hình là Louis Marinoff, giáo sư dạy môn triết tại City College of New York. Ông ta có lẽ là đại biểu xứng đáng nhất của trường phái triết học thực dụng kiểu Mỹ: tìm mọi cách khuyến mại việc tư vấn triết học. Những cuốn sách ông viết như Những câu hỏi lớn: Triết học có thể thay đổi đời bạn ra sao? (The Big Questions: How Philosophy Can Change Your Life), và cuốn sách bán rất chạy hiện nay trên thế giới là cuốn Plato chớ chẳng phải thuốc an thần! Ứng dụng sự khôn ngoan vĩnh cửu vào đời sống hàng ngày (Plato, not Prozac! Applying Eternal Wisdom to Everyday Problems ) là những bằng chứng hùng hồn về tính cách thực dụng trong những tác phẩm của ông. Cuốn sau đã được in ra trên hai mươi thứ tiếng. Nhưng Marinoff không chỉ hài lòng với sách của mình. Ông còn muốn tạo ra một nghề mới: tư vấn triết học (philosophical counseling) với những cơ sở pháp lý không khác những nghề khác.

Thực sự thì cái gọi là tư vấn triết học đã bắt đầu vào năm 1981 khi tiến sĩ Gerd Achenbach mở văn phòng hành nghề ở Köln, Ðức, và năm 1984 cho in bản tuyên ngôn Triết học thực hành (Philosophische Praxis). Tới nay ở nhiều nước như Hoà Lan, Ca-na-đa, Na Uy, Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Do Thái, Anh, và nhất là ở Mỹ người ta đã thấy xuất hiện nhiều chuyên gia tư vấn triết học, nhiều hiệp hội nghề nghiệp, và nhiều chương trình cấp phát văn bằng hành nghề.

Là một liệu pháp còn trong vòng tranh cãi, tư vấn triết học giả định rằng nhiều “vấn đề” của chúng ta bắt nguồn từ những hiểu biết không chắc chắn về ý nghiã cuộc đời. Những người đi tiên phong trong lãnh vực này tin rằng từ thời cổ triết học đã được dùng để giảm nhẹ những áp lực tinh thần trong cuộc sống, giúp cho các cá nhân hiểu họ cũng như thế giới rõ ràng hơn, và cải thiện cuộc sống của mình. Hơn hai ngàn năm trước, Epicurus đã từng coi triết học là “phương thuốc trị bịnh của tâm hồn”. Socrates đã dùng triết học không phải để chỉ dạy những khái niệm mà để khuyến khích các môn đồ của mình tranh biện, xem xét cách suy nghĩ cũng như thái độ của họ về mọi đề tài có thể tưởng tượng ra được. Descartes và Spinoza xem triết lý là “việc thực hành đức khôn ngoan”. Nietzsche than phiền triết học đã thoái hoá thành chuyện đeo đuổi trường ốc nhàm chán. John Dewey triết gia được nể vì của Hoa Kỳ về giáo dục đã viết vào đầu thế kỷ 20 là triết học chỉ cho thấy giá trị thật của nó khi nó không còn là công cụ dùng mổ xẻ những vấn đề của các triết gia mà là để lập thành phương pháp, do các triết gia đào sâu, mổ xẻ những vấn đề của con người.

Nói gọn, tư vấn triết học bao hàm việc một triết gia có huấn luyện giúp một cá nhân xem xét vấn đề hay đề tài có liên quan đến cá nhân ấy. Trong phạm vi này triết gia giúp ích nhiều hơn là bạn thân hay người thân trong gia đình. Ludwig Wittgenstein, một trong những triết gia có ảnh hưởng hàng đầu của thế kỷ 20 xem triết học là phương tiện tháo gỡ những “nút thắt” trong suy nghĩ của mình.

Trở lại với Marinoff: ông ta mới đây đã kiện nhà trường nơi ông làm việc là City College of New York (viết tắt: C.C.N.Y.) ra toà vì trường này đã ra lệnh ngưng mọi hoạt động tư vấn của ông trong khuôn viên của trường, viện lẽ là C.C.N.Y. đã vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của ông. Nhà trường nhìn vấn đề dưới khiá cạnh trách nhiệm (đặc biệt là trách nhiệm dân sự): Nếu một triết gia không có lấy một chút đào tạo về sức khoẻ tâm thần, thất bại trong việc nhìn ra những khuynh hướng tự tử nơi một sinh viên, và thay vì là một giải pháp can thiệp trong lãnh vực tâm thần lại đã ra toa bằng lý thuyết của Heidegger chẳng hạn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sau này nhà trường đã bãi bỏ lệnh buộc phải ngưng những hoạt động tư vấn của Marinoff nhưng ông ta vẫn kiên quyết đeo đuổi vụ án với lý do bị mất lợi tức cũng như những cơ hội nghề nghiệp. Các luật sư của C.C.N.Y. đề ra những yêu cầu bảo hiểm cho những hoạt động tư vấn nêu trên nhưng Marinoff đã phản ứng rất mạnh; ông nói: “Cho đến bây giờ chúng tôi chưa từng gặp một trường hợp nào xảy ra tai hại tâm lý do việc tư vấn triết học gây nên.” Ông tiếp: “Những người này họ không sao phân biệt được tâm lý học và triết học. Vào những ngày này, những kẻ có học sao tệ quá!”

Từ nhiều năm nay, Marinoff đã tìm mọi cách để có thể đưa tư vấn triết học ở Hoa Kỳ thành một nghề như mọi nghề chính thức khác. Ta có thể thấy tín hiệu mà ông muốn trao gởi đến quần chúng (Hoa Kỳ) như sau: quần chúng đã chán ngán những nhà tâm lý học quá rồi; quần chúng cũng đã ớn những nhà tâm lý trị liệu luôn cho toa thuốc những khi ta thấy xốn xang, bối rối, và phần lớn những “vấn đề” bức thiết của ta không do xúc cảm hay do ảnh hưởng của các tác động gây nên bởi thay đổi hoá học trong não - những xáo trộn của chúng ta thường khi có nguyên nhân triết học. Chứng minh: ta không cần phải đợi đến lúc xuống tinh thần tới mức bệnh lý clinically depressed) hay bị mặc cảm phạm lỗi thuở thiếu thời rồi mới nhờ tới sự hỗ trợ với những câu hỏi muôn thuở về kiếp người - những đau khổ chồng chất, liên tục và cái chết không sao tránh được, cũng như nhu cầu một nền đạo đức tin cậy được. Ngay đối với những người khoẻ mạnh, bình thường, những người hoạt động thường ngày cũng cần tuân thủ những nguyên tắc trong cuộc sống.

Mặc dù là trường C.C.N.Y. không mấy thoải mái với việc tư vấn triết học, xem ra công chúng lạI sẵn sàng và rất háo hức với ít nhất là một hình thức nào đó của triết học trong đời sống hàng ngày. Ta có thể thấy chứng cớ này khi Tom Morris, giáo sư triết trước kia của trường Notre Dame đã tính tiền giờ $30,000 đô la Mỹ đối với hãng I.B.M và General Electric khi được mời diễn thuyết về “bảy chữ C của Thành Công” (7 C’s of Success ), chắt lọc từ Cicero và Spinoza, Montaigne và Aechilus. Christopher Phillips, tác giả “Sáu câu hỏi của Socrates” đã đi khắp nước Mỹ mời gọi những đám đông vào đối thoại kiểu Socrates về bản chất của pháp luật và ý nghiã của sự can đảm. Trò chuyện triết học (Philosophy Talk) là một show trên truyền thanh mới đây ở San Francisco với hai giáo sư có tài châm biếm tế nhị của trường đại học nổi tiếng Stanford, cùng với rất nhiều thính giả gọi lại đài, tìm cách giải quyết những vấn đề gai góc như “Bạn có muốn sống mãi mãi không?”. Thông thường một giờ tham khảo ý kiến với chuyên gia tư vấn triết học là 100 đô la Mỹ.

Ở nước Anh, một trong những sách bán chạy nhất trong năm 2000 là Những an ủi của triết học (The Consolations of Philosophy) đã được đưa lên truyền hình trong loạt truyền hình sáu phần. Ở Mỹ, Marinoff không phải là người đầu tiên nỗ lực đưa tư vấn triết học vào đời nhưng là người dẫn đầu những nỗ lực xây dựng các định chế về mặt pháp lý và tìm cách nhập vào dòng sông cuồn cuộn tiền bạc mà ta biết là tiền hoàn lại trong bảo hiểm y tế.

Y hệt một nhà kinh doanh nắm bắt một thị trường mới, Marinoff hành động nhanh và dữ dội, và đôi khi đụng chạm mạnh đến những người cạnh tranh khác. Ông đã thành lập Hiệp hội Những Người Thực hành Triết học Hoa Kỳ (American Philosophical Practioners Association, tắt là A.P.P.A.) Trước khi có các luật sư đánh hơi rất nhạy nhúng tay vào, ông đã thực hiện nghiên cứu trên những người tình nguyện ở trường C.C.N.Y. và dàn xếp một quỹ ở New York để tài trợ tư vấn triết học miễn phí qua trung tâm tập thể dục của C.C.N.Y.

Marinoff không thiếu kẻ yêu, người ghét. David O’Donaghue, một tâm lý gia có cấp bằng hẳn hoi cũng như có văn bằng tiến sĩ triết học coi chuyện chỉ cần ba ngày tu nghiệp để có bằng hành nghề của Marinoff là “tào lao”; nhưng cạnh tranh dữ dội nhất phải kể đến Hiệp hội Hoa Kỳ về Tư vấn Triết học và Tâm bệnh lý học (American Society for Philosophy Counseling and Psychotherapy, viết tắt là A.S.P.C.P.) có thể xem là nhịp cầu nối hai nghề nghiệp với nhau.

Ðối với việc Marinoff cấp bằng hành nghề cho những người hoàn toàn không có chút đào tạo trong lãnh vực sức khoẻ tâm thần, những người chống đối đã bảo: “Các triết gia biết khỉ gì về sức khoẻ tâm thần; họ sẽ là mối nguy cho các thân chủ của họ.”

Tiến sĩ Raabe của Canada trong luận án tiến sĩ về tư vấn triết học nhìn khác hơn: “Khoan nói tới chuyện tư vấn triết học giúp ích rất nhiều cho người trung bình, việc tư vấn này còn có thể có giá trị vô cùng lớn lao đối với những nhà tâm lý trị liệu chuyên nghiệp. Suy cho cùng thì triết học là nền tảng của những lãnh vực tư tưởng khác. Triết học không chỉ là chuyển đạt kiến thức, nó liên tục cải thiện hiểu biết của ta qua suy tư và thảo luận.”

Marinoff cũng như một số những người thực hành tư vấn triết học cho rằng tất cả chúng ta ai cũng có một lý triết lý sống, dù ý thức hay không, và ta có thể có lợi khi nhận biết ra triết lý ấy, khiến ta chắc nó có thể giúp ta hơn là ngăn trở ta – nói cho rõ là xác định sự thành công theo cách ta có thể thực hiện được - rồi sau đó ta củng cố sức mạnh ấy qua đối thoại với những nhà tư tưởng lớn. Trong cuốn Plato, not Prozac!, Marinoff đề ra năm bước “Diễn trình hoà bình” là loại triết-học-mì-ăn-liền trên chương trình truyền hình hàng ngày: 1) xác định vấn đề, 2) liệt kê những xúc động xảy đến cho mình, 3) phân tích những hướng giải quyết, 4) chiêm nghiệm toàn bộ tình thế của ta, 5) đạt đến quân bình. Trong cuốn trên, Marinoff nêu ra một trường hợp nghiên cứu về Dough; Dough là khách mời trong trong chương trình truyền thanh ban đêm. Dough cho biết vấn đề của ông ta là ông không thể có được hạnh phúc nếu không có một người đàn bà để yêu và ông không thể có cơ hội gặp một người đàn bà nếu ông ta tiếp tục làm việc theo ca trong một nghiã trang. Xúc cảm (emotion) của Dough là nỗi cô đơn. Khi phân tích hướng giải quyết ta thấy chỉ có hai: hoặc anh ta phải bỏ việc, hoặc cứ mãi cô đơn. Cách mà Marinoff đề nghị nhắm giải thoát Dough ra khỏi cái bẫy tâm thần do chính anh ta đã giương ra cho mình là khuyến khích Dough tìm sự chiêm nghiệm trong triết học Đông Phương, đặc biệt trong triết học nhà Phật, và Lão. Nói cho gọn là hãy ngừng bị ám ảnh về nhu cầu tình yêu.

Với những triết gia hàn lâm nghiêm túc - ngay đối với những người luôn đặt những câu hỏi mà ta gọi là những câu hỏi về phận người - chỉ nội cái ý tưởng về tư vấn triết học cũng đủ để các vị ấy giật bắn người. Jonathan Lear, một nhà phân tâm học và cũng là một giáo sư triết học ở University of Chicago, tự coi mình là người có can dự vào khả năng chữa trị qua trao đổi, nói chuyện với người bệnh và với truyền thống triết học kiểu Socrates qua những mối quan tâm bức xúc của đời sống con người, vẫn giữ mối hoài nghi sâu đậm về bất kỳ một lối tư vấn nào tưởng ra rằng ta có thể khu trú trong lòng tay của lý trí mà không cần biết đến những xúc cảm và động lực bí ẩn, chưa kể tới việc tư vấn triết học bị một vài giới phê bình cho là bị động cơ tiền bạc thúc đẩy. Alva Noe của trường Berkeley, ở California nhìn vấn đề đơn giản hơn: “Tuy ta có lý do để nghĩ rằng phương pháp cũng như lối suy luận chặt chẽ của môn triết học, khi áp dụng cho những vấn đề của đời sống, có thể đưa ta tới tầm mức lớn hơn, giải phóng ta, cải thiện đời ta, v.v., nhưng triết học khó lắm, khó lắm,… Và liệu có bao nhiêu người thật sự đã chuyển hoá được đời sống mình từ lúc tập Công phu (Kungfu) hay Thái cực quyền (Taijiquan)?”

Marinoff được bầu vào chức chủ tịch của A.S.P.C.P. vào năm 1966. Trong một hội nghị vào năm 1997 Marinoff tuyên bố A.S.P.C.P đang sửa soạn cấp giấy chứng nhận hành nghề tư vấn và sẵn sàng cho mở cuộc thi trắc nghiệm lấy bằng hành nghề. Do những bất đồng nội bộ, Marinoff đứng ra lập một hiệp hội mới có tên gọi là Hiệp hội những Nhà Thực hành Triết học Hoa Kỳ (A.P.P.A.). Cuối năm ấy, Marinoff hết giữ chức vụ giám đốc điều hành A.S.P.C.P. và ngành tư vấn triết học non trẻ chịu sự phân ly đầu tiên.

Các luật sư của trường City College of New York không bày tỏ dấu hiệu muốn dàn xếp nào trong lúc Marinoff vẫn hăng say lao vào vụ tranh tụng. Ông bảo rằng ông không phải là người thích kiện cáo, ông chỉ làm vì quyền lợi của các triết gia và của công chúng. Mô tả những kế hoạch vĩ đại của ông về một hệ thống tư vấn triết học khắp nơi trên thế giới, ông nói gấp gáp: “Chúng tôi đang sẵn sàng huấn luyện và cấp chứng chỉ cho những người muốn hành nghề này. Họ có thể cung ứng các dịch vụ ở những nhà tù, những nhà dưỡng lão, cũng như các bệnh viện bên cạnh các bác sĩ. Về căn bản chúng tôi sẽ làm cho triết học đại chúng hơn kể từ thời Cổ Hy Lạp huy hoàng.”

Trên xứ sở mà biểu tượng là Nữ Thần Tự Do, các chuyên gia triết học ít nhất cũng đã giành được những vị trí hoạt động khác hơn vị trí của những giảng sư trên các bục giảng của những trường cao đẳng hoặc đại học. Một số người, như Marinoff, còn biến môn triết học mà thường thì người thường rất ngán làm quen thành một bộ môn mà ta tạm gọi là triết-học-mì-ăn-liền, bình dân, đại chúng, qua những sách như Plato, not Prozac, hoặc qua những chương trình truyền thanh, truyền hình ăn khách chẳng kém những show giới thiệu sách văn chương của Oprah.

Ở Việt Nam hiện nay, với số lượng khá đông các tiến sĩ triết học (Một trường đại học ở Hà Nội gần đây đăng trên net số “tiến sĩ ’ triết học cộng tác với trường là 142 người?!), nếu ngày nào đó một loại hoạt động tư vấn triết học thành hình ở Việt Nam giúp giải quyết nạn thất nghiệp trầm trọng trong giới tốt nghiệp hậu đại học về bộ môn này thì không chừng khách hàng sẽ được nghe từ những túi khôn nho nhỏ của nhân loại những câu đại loại như “Trau dồi tư tưởng Mác-Lê sẽ giúp bạn mau chóng kiếm được việc làm… (như chúng tôi đây!)”, hoặc những câu nói “kinh điển” như lời phát biểu của “thạc sĩ” Phạm Thị Hồng Hoa, giảng viên Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về môn triết học Mác – Lê nhân Ngày Triết học Thế giới tại Hà Nội: “…Triết học trang bị cho người học tư duy, bản lãnh độc lập… Bác Hồ đã nói… ”

Tham vấn hay không những nhà tư vấn triết học xuất thân từ trường phái ấy, quí bạn hoàn toàn có quyền tự do. Tự do tuyệt đối.

SẦU ĐÔNG

Tham khảo chính

1. The Socratic Shrink, by Daniel Duane, tạp chí The New York Times Magazine, số March 21, 2004
2. Philosophical Counseling, Wikipedia, trong The Free Encyclopedia, (http://en.wikipedia.org)
3. The Times số 11/08/1997, The Return of the Sophists
4. What is philosophical counseling? by Peter B. Raabe, Ph. D.,University of Bristish Columbia.

No comments:

Post a Comment