04 October 2010

Tang lễ

Tiễn biệt Tâm Triều

 Trời Cali bắt đầu chuyễn mình từ Hạ qua Thu, mùa thu của thi văn , mùa thu của lãng mạn yêu thương, mùa thu của lá vàng bay lìa cành,” con sông nào đợi em qua bến mới, chiếc lá nào bỏ cây xanh bóng tối, ôi nắng Sai gòn đã phai màu sao em?.” Câu cuối trong một nhạc bản văng vẳng bên tai khi tôi viết bài tường thuật nầy với nước mắt và xúc cảm.

Vâng vào chiều thứ tư, ngày 08 tháng 09 năm 2010 trên đường Magnolia gần đường Mays,ngay ngã rẽ vào xa lộ 22 hướng đông, thành phố Garden Grove , tác gỉa “Đời Sống Hai Lần” khởi hành một đời sống mới. Tâm Triều như con thuyền đã qua bến mới, như chiếc lá bỏ cây xanh bóng tối, và như nắng Sai gòn đã phai màu… Anh đã đưa đơn cho housing authority và đang trên waiting list, anh đã gởi bài viết dự thi, tựa đề “ Bolsa có gì lạ?” cho một nhật báo với hy vọng đoạt giải nhất đủ tiền máy bay về thăm thân nhân một lần cuối. Ước mơ thật đơn giản… thế mà chưa đạt được. Anh đã bỏ ra đi, không kịp để lại một lời nhắn, không kịp để lại số cell phone, không kịp để lại địa chỉ nhà mới... Tôi còn nhớ lần đầu đến nhà đón anh đi uống café sáng, hỏi địa chỉ nhà, trên phone anh nói” hai lần năm tư, hai lần di cư,từ đó nhìn hướng đông bạn thấy nhà thờ Đức Mẹ La Vang” Tôi chưa hiểu mô tê, tê mô chi, anh liền nói tiếp” hay để tôi đợi bạn ở cổng vào tiện hơn”. Sau khi café xong xuôi, đưa anh về - nhìn số nhà và định vị-, tôi mới hiểu  ra cách chỉ đường của anh thật dễ nhớ, và rất thực tế.Hai lần năm tư = 254 hay hai lần di cư. Dân di cư  từ Bắc vô Nam năm 1954 như Tâm Triều, như tôi, làm sao quên được  con số 54 !!! Sau đó, mỗi lần tới đón anh , chỉ cần gọi phone lấy hẹn trước ít nhất một giờ, để anh đủ thời gian chuẩn bị, vì anh ra khỏi nhà phải với áo quần tươm tất, lịch sự, và bảnh bao. Anh hay nói đùa “ cậu ấm Hà thành mà bạn”. Bạn có biết Bố tôi thời Tây làm Tỉnh Trưỡng Sơn Tây, nên Mẹ tôi muốn tôi thi vào Học Viện QGHC để nối tiếp sư  nghiệp của Bố tôi, thi hai ba lần mới đậu chứ không như các bạn đâu. Nếu tôi thi đậu lần đầu , thì phải là đốc sự khóa đàn anh rất xa của các bạn…”. Anh quay sang khen tôi, dân địa ốc như bạn tìm nhà tài qúa, chỗ tôi ở khó kiếm , dễ lạc, nên ít bè bạn tới, và tôi cũng không dám chỉ đường vì nó quẹo lung tung chả biết cách nào để chỉ …”

Thế rồi Tâm Triều dời chỗ ở đến một nơi, mà người đời kẻ thì nói cõi vĩnh hằng, người thì nói thiên đàng, người khác lại nói đó là niết bàn v.v…Nếu Tâm Triều sau khi ổn định nơi cư trú mới, sẽ phone cho chúng ta biết, và lần nầy chắc anh không nói theo kiểu đời thường, mà anh cũng lại nói “địa chỉ mới của tôi là ba lần năm tư, và số cell …”. Hãy đợi tin anh…

Số người đến tiễn đưa và đợi tin anh tại nhà thờ Tam Biên, thành phố Garden Grove, cũng như tại nhà quàn Mel Rose Abbey; thứ bảy, ngày 25 tháng 09 năm 2010, cũng hồi hôp, cũng chất chứa nhiều cảm xúc bùi ngùi, tiếc thương, những gịot nước mắt chảy dài trên từng khuôn mặt, những chiếc khăn, những tissues được dùng để lau vội, dấu đi nỗi xúc động tiếc thương không cầm được. Bên cạnh đó, cũng có những khuôn mặt lộ vẽ đăm chiêu nhiều suy tư hay đang cầu nguyện cho linh hồn Giuse…nghĩ về những chuyến ra đi nào đó không ai biết trước được.

Khi sinh thời, Tâm Triều cũng hay nói về giàu nghèo , và tự đánh gía anh nghèo. Tôi thường chia sẻ với anh rằng sau biến cố 30 thán 4 năm 1975, đối với tôi   giàu về vật chất như nhà cửa, xe cộ không có một chút gía trị lâu bền nào cả. Đó chỉ là hào nhoáng như mây bay gío thoảng, như lớp sương mỏng sáng sớm, vội tan biến khi ánh mặt trời ló dạng. Nó không thuộc về mình. Khi chết mình có đem theo được đâu. Tôi trân qúy cái tình người và tình bạn, tôi trân qúy sự thật thà thẳng thắn, sự công bằng tương kính trong giao tiếp hằng ngày. Bạn yên lặng mà không phản biện. Điều nầy tôi hiểu ý Tâm Triều như một sự đồng ý. Bởi bản tính Tâm Triều mang đặc tính của một nhà bình luận, nếu không chịu, anh bình luận ngay. Có thế, trong một Thông báo mừng Thượng Thọ 70 của anh, tôi dùng nhóm chữ: nhà văn, nhà bình luận Tâm Triều…anh đắc ý và nhắc hoài rồi nói: “chỉ mình bạn mới nhận ra góc cạnh nầy của tôi”.

Có lẽ, cũng trong trạng thái suy tư như vậy, hễ ngưởi bạn đồng môn nào làm đuợc điều gì cho anh, anh ghi nhớ và có dịp, Tâm Triều  nhắc lại với lời cảm ơn tự nhiên từ tấm lòng . Mặc dù , anh chị em đồng môn khi làm gì cho anh, không mảy may nghĩ đến sự biết ơn của anh; mà chỉ vì cảm mến một đồng môn, một người bạn tốt, rồi làm được gì cho anh vui là mình vui , thế thôi. Trong ngày tiễn đưa anh về nơi cư trú mới, trong lúc chia sẻ trước linh cữu của Tâm Triều, anh Nguyễn dắc Điều, cựu Chủ Tịch Tổng Hội CSV/QGHC, cũng nhắc đến việc tặng Tâm Triều, một cà vạt, thế mà mỗi lần gặp, Tâm Triều lại cảm ơn. Một việc, anh Nguyễn đắc Điều, không hề nghĩ đến. Còn nữa, anh Lê châu Lộc, nguyên trưởng lớp khóa 13, theo chương trình ngày tang lễ của Tâm Triều, sẽ đại diện khóa phân ưu với tang quyến; nhưng giờ chót vì bịnh nặng không đến dự được và xin lỗi anh em và xin lỗi Tâm Triều. Trên đường dây diện thoại lúc 03: 00 chiều cùng ngày, anh Lộc nói: “tôi muốn tới nhưng con tôi, bác sĩ, không cho. Tôi đau chân, đau cả người. suốt buổi sáng uống thuốc để hy vọng đến được với Tâm Triều. Tôi thương Tâm Triều lắm. Từ lúc Tâm Triều qua đời đến nay, dường như cứ theo tôi hoài. Sáng nay, lật lại một học tủ, bắt gặp một mẫu giấy, Tâm Triều ghi vài dòng cảm ơn  Lê châu Lộc đã tới tham dự ngày khóa 13 tổ chức mừng thượng thọ Tâm Triều. Rồi anh Lộc lại nói lời xin lỗi với một âm vang nghẹn ngào từ đầu dây bên kia. Tôi bèn an ủi anh Lộc, nên yên tâm nghĩ ngơi  điều trị và chúc anh chóng bình phục… đừng rán đến khi  sức khỏe không cho phép…Theo tin  giờ chót, anh Lê châu Lộc đã được thân nhân khẩn cấp đưa vào bịnh viện và được mỗ ruột dư ngay sau đó.Chỉ chậm một tí nữa là nguy hiễm đến tính mạng.

 Tâm Triều như vậy đó; trân qúy những gì anh chị em đồng môn làm cho anh. Còn nhiều, nhiều lắm những chuyện kể tương tự. Anh Đổ tiến Đức cũng tặng anh cái cà vạt, bạn ta cũng cảm ơn hoài. Anh cảm ơn hoài việc khóa 13 tổ chức thượng thọ cho anh .Thật dễ thương!

Về ngày tang lễ, 25/09/2010, được tang gia tổ chức với sự yểm trợ của khóa 13 Đốc Sự. Theo nhận xét của một vài đồng môn, có mặt từ lúc 9 giờ sáng tới thời gian hỏa táng lúc 6 giờ chiều, đây cũng là tang lễ một cựu sinh viên với số lượng đồng môn tham dự rất đông đảo. Trong số đến viếng, người viết nhận thấy hầu như đầy đủ các khóa và các ban Tham Sự, Đốc Sự và Cao Học. Đặc biệt có mặt đầy đủ các cựu chủ tịch Tổng Hội, Hội CSV/QGHC : Đỗ tiến Đức, Trần huỳnh Châu, Lê danh Đàm, Hà thế Ruyệt, Nguyễn ngọc Liên, Nguyễn đắc Điều, Lưu văn Trang, và Châu văn Để. Ngoài ra còn có luât sư Nguyễn Khiết, cựu chủ tịch và đương kim chủ tịch Hội CSV/QGHC Nam Cali.Trần ngọc Thiệu.

Trong buổi lễ, ngoài phần chính ngõ lời phân ưu với tang quyến của anh chủ tịch Trần ngọc Thiệu, còn có đôi lời chia sẻ của anh Nguyễn ngọc Liên, rồi đến anh Nguyễn đắc Điều như đã nhắc ở trên, kế đến là anh Lưu văn Trang. Và mở đầu buổi lễ, anh Cung trọng Bảo, khóa 13 đọc bài thơ gởi bạn Tâm Triều để thực hiện ý nguyện của người qúa cố lúc sinh thời. Tiếp theo, anh Phạm trần Anh , khóa 14 cũng tâm tình và đọc bài thơ “Khóc bạn Tâm Triều”, cả hai bài thơ rất cảm động. 

Với thời gian hạn hẹp, nên anh chị em trong Ban Tổ Chức khóa 13 và anh Nguyễn văn Sáu (trắng) chỉ mời được một số  đồng môn tới sớm, góp lời chia sẻ trong chương trình.

Nhà quàn Mel Rose Abbey có thể nói một trong những trạm dừng chân, nơi chuyễn tiếp giữa cõi trần thế và thế giới vô hình, rất trang trọng chen lẫn uy nghiêm và tĩnh mịch.

Với tòa tháp đồ sộ kiến trúc kiểu Ai Cập và từ ngoài bước lên nhiều bậc cấp, bạn sẽ gặp ngay bàn tiếp khách đặt bên trái (được đảm nhận bởi BTC khóa 13 và đồng môn Nguyễn văn Sáu), với CD và tác phẩm “Đời Sống Hai Lần” của tác gỉa Tâm Triều Pham xuân Huy do sáng kiến của hai huynh truỡng Đỗ tiến Đức và Nguyễn đắc Điều đề nghị chủ nhà in NT Printing,  ông Nguyễn Minh cấp tốc tái bản để gây qủy cho tang lễ Tâm Triều; ngõ hầu bạn ta ra đi thảnh thơi, nhẹ nhàng…Phía bên phải là Bản Cáo Phó treo trên cột nhà quàn và một bục cao với sổ ký lưu niệm cho khách viếng. Kế đó, bên phải có đặt bàn thực phẩm, cà phê, trà xanh và nước uống.

Từ đó, khách viếng nhìn thẳng vào trong, sẽ thấy quan tài đặt nằm ngang trên một cái gía và một bàn thờ bên cạnh có di ảnh người qúa cố với hàng chử: “Giuse Phạm Xuân Huy”, nhang đèn và nhiều vòng hoa phân ưu thương tiếc từ thân nhân, bạn hữu. Trong số đó, người viết nhận thấy có vòng hoa của gia đình anh chị Nguyễn ngọc Cường từ New York, của Hội CSV/QGHC Montreal/Canada, của Hội CSV/QGHC Nam California và vùng phụ cận, và của Khóa 13 .
Trên tường hai bên trái phải có treo hai câu trướng trên nền đen chữ trắng:

-         Vô Cùng Thương Tiếc
-         Thành Kính Phân Ưu  
  
Về nghi thức tôn giáo, từ sáng sớm thứ bảy cùng ngày, linh cữu đã được chuyễn đến nhà thờ Tam Biên, với Thánh Lễ long trọng được chủ tế bởi linh mục chánh xứ Nguyễn văn Tuyên, và phó tế Nguyễn mạnh San, cháu họ của người qúa cố, đã chia sẻ lời Chúa và sơ lược về cuộc đời của Tâm Triều Phạm Xuân Huy. Một mẫu người luôn sống trung thực với chính anh và với mọi người, luôn trân qúy tình người, tình bạn, tình quê hương, và cả với thiên nhiên quanh Anh.

Tại nhà thờ , người viết nhân thấy có các CSV/QGHC đến dự Thánh Lễ cầu cho Linh Hồn Giuse Phạm Xuân Huy như anh Cao viết Lợi, các anh chị : Nguyễn quốc Trường, Ngô đình Thu, Cao xuân Thức, chị Dương thị Hòe, anh Trần văn Lương, anh Phan cao Tăng, và anh Nguyễn hoàng Tân.

Tại đây, ca đoàn nhà thờ trong đồng phục, đã hiệp thông lời cầu nguyện bằng những thánh ca mang nhiều ý nghĩa trong ngày tang lễ và làm thăng hoa đời sống tâm linh cho linh hồn Giuse Phạm xuân Huy..

Sau đó, linh cữu đưọc chuyển về  nhà quàn Mel  Rose Abbey cho thân nhân bằng hữu thăm viếng. Nghi thức tôn giáo vẫn được tiếp tục. Ngoài những cựu sinh viên QGHC các khóa, các ban; còn rất nhiều các đoàn thể đến viếng như Hội Ái Hữu Bến Tre, Kiến Hòa; qúy thân hữu gia đình Hậu Nghĩa, quý thân hữu tỉnh Phú Bổn và cựu Trung Tá Tỉnh Trưởng Nguyễn văn Nghiêm, Thư Viện Việt Nam, Boat People S.O.S. Văn Nghệ Sĩ Tự Do và Câu Lạc Bộ Thi Văn Đàn Hải Ngoại, Bút Nhóm Gọi Đàn, Đoàn Âm Nhạc Lạc Hồng…

Xen kẻ với những lúc thăm viềng, có những xuất cầu kinh theo nghi thức tôn giáo; chủ yếu do Hội Legio Marie giáo xứ Tam Biên đảm trách. Bên cạnh, có một xuất hát Thánh Ca rất đặc sắc và đôc đáo của chị Phan Cao Tăng, tức chị Đổ Tươi và cô Annie.

Trước khi thầy sáu Nguyễn mạnh San, thay mặt linh mục chánh xứ Tam Biên làm phép xác, để đóng nắp quan tài, kết thúc nghi thức viếng linh cữu người bạn thân thương  một đồng môn rất hài hòa với mọi người; chủ tịch Hội CSV/QGHC Nam California, anh Trần ngọc Thiệu, đã thay mặt đồng môn, xin phép tang gia được đặt đứa con tinh thần vào quan tài của anh Tâm Triều Giuse Phạm xuân Huy, một đứa con mà nhà văn Tâm Triều lúc sinh thời, rất yêu mến, trân qúy . đó là tác phẩm “Đời Sống Hai Lần” và chiếc CD.

Đúng 05:45 chiều thứ bảy ngày 25 tháng 09 năm 2010, nắp quan tài được khép lại.

Mọi người vô cùng xúc động.
Linh cữu từ từ được chuyễn đến nhà hỏa táng, trong cùng khuôn viên Mel Rose Abbey, trạm chuyển tiếp giữa sự sống và thế giới vô hình. Đi trước linh cữu là thân nhân với khăn tang và di ảnh người qúa cố. Theo sau quan tài là đồng môn QGHC và thân hữu bạn bè Tâm Triều. Trong nhà hỏa táng, sau sự chủ tế cầu kinh của thầy phó tế, thân nhân đặt lên quan tài những tấm khăn tang, và quan tài được nhân viên hỏa táng đẩy từ từ qua một khung cửa rộng vừa đủ kích thước và rồi cửa được khép lại…
Giờ vĩnh biệt thực sự bắt đầu.

Ai ai cũng bùi ngùi cảm động và yên lặng…Người viết rời Mel Rose Abbey, với nhiều suy nghĩ miên man về cuộc đời, về tình người, về tình đồng môn…Tâm Triều đã tới địa chỉ mới…có lẽ đó là ba lần năm tư chăng?
Nguyện cầu linh hồn Giuse Phạm xuân Huy sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa nơi cư trú mới.

Cao xuân Thức
Tường thuật ngày 25/09/2010
từ Mel Rose Abbey, Santa Ana, California.

Xin mở những dòng Links dưới đây đề xem đầy đủ hình ảnh Tang Lễ:

1. Hình ảnh do gia đình cung cấp:

2. Hìmh ảnh do anh Ngô Ngọc Trác cung cấp:

3. Hình ẳnh do anh Cao Công Đắc cung cấp:

No comments:

Post a Comment