27 September 2010

Thư Paris

Càm ràm
chuyện Đất Việt

Tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ coi phim bộ VN, vì cho rằng loại hình văn hóa phổ biến nầy chắc hẳn có phản ảnh nếp sống và ngôn ngữ của dân gian.

Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2009 tôi đã dành nhiều thời giờ để coi hết 5,6 bộ phim truyền hình nhiều tập đã chiếu trên các đài Truyền Hình Sài Gòn trong vài ba năm gần đây. Những phim nầy nay đã được đưa lên các site internet. Phim khi chiếu trên màn ảnh truyền hình chia ra từng tập cho mỗi buổi chiếu là 45-50 phút. Khi đưa lên internet được ngắt ra thành từng tập nhỏ khoảng 15 phút mỗi tập. Một bộ phim truyền hình đưa lên internet thường dài khoảng trên dưới 100 tập nhỏ như vậy. Tôi mất khoảng 3 tuần lễ mới coi xong một bộ.

Vì là phim chiếu trên các đài truyền hình ở Sài Gòn, nên những người viết kịch bản và đạo diễn thực hiện phim dựa trên nếp sống của dân miền Nam. Phần lớn các phim có tính cách tình cảm, tâm lý, xã hội.

Tôi chọn phim coi tình cờ thôi, thường là chú ý tới một phim có cái tên là lạ. Phim đầu tiên tôi chọn có tên Hương Phù Sa, nói về đời sống của một gia đình sống về nghề đóng ghe ở miền Tây. May sao tôi tìm thấy điều mình muốn ngay trong phim đầu tiên nầy. Bộ phim nói về câu chuyện tình tay ba giữa hai chị em trong gia đình của một người chủ đóng ghe và chàng thanh niên tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật về Hội Họa, nhưng thất nghiệp, đến xin làm việc ở xưởng đóng ghe của gia dình hai cô gái. Cô chị có tên là Út Nhỏ, cô em tên là Út Ráng, không phải là hai chị em ruột nhưng rất thương nhau. Sở dĩ có tên Út Ráng vì lúc sơ sinh cô bé bị bỏ rơi, gia đình người chủ xưởng đóng ghe đang ráng muốn có thêm một đứa con nữa đã đem về nuôi và đặt tên như vậy.

Coi xong bộ phim nầy tôi đã chuyển hướng tìm , có ý định tìm hiểu nhiều hơn về những chữ dùng mới trong ngôn ngữ VN trong nước hiện nay, đời sống của người dân miền Nam hiện nay, và đi xa hơn, những chuyện xung quanh ngành phim bộ truyền hinh ở miền Nam hiện nay. Tôi rời bỏ VN từ năm 1985 và chưa trở lại VN lần nào, nên nghĩ đây cũng là một cách để tìm hiểu một phần đời sống xã hội VN hiện nay.

Tôi cũng có coi vài bộ phim Hàn Quốc (Nam Hàn) và Tàu Hồng Kông để đối chiếu. Tôi có cảm tưởng là những người làm phim bộ ở VN nhằm mục đích thương mại nhiều hơn là nghệ thuật.

Về hình thức, các bộ phim tôi đã coi qua, có bố cục thường lỏng lẻo, cách thắt mở những tình tiết quan trọng thiếu hợp lý ; trong diễn tiến của phim , vì không dùng cố vấn chuyên môn để tham khảo, đã đưa ra những chi tiết giả tạo, gượng ép, không đúng với thực tế. Bắt chước kỹ thuật quay của Phim Hàn quốc và Hồng Kông, dùng quá nhiều cảnh hồi tưởng (flashback) trong một bộ phim càng kéo dài phim ra, hơi chán. Cũng có một số cảnh coi được. Về diễn viên, nhứt là các nữ diễn viên, phải nhận là VN hiện nay có những nữ diễn viên cao ráo,đẹp, ăn ảnh, một phần lớn có lẽ nhờ kỹ thuật hóa trang tiến bộ. Tìm hiểu thêm, được biết là trong giới diễn viên, nhứt là bên phái nữ, có nhiều người mẫu và ca sĩ đi đóng phim. Họ đã quen với ánh đèn sàn diễn và sân khấu, nên thủ diễn tương đối tự nhiên, nhưng không hay, thua số diễn viên tốt nghiệp Trường Đào Tạo Sân Khấu Và Điện Ảnh. Dù vậy, không biết do lỗi của đạo diễn, của các chuyên viên kỹ thuật, hay của chính diễn viên, mà trong phim bộ VN so với phim Hàn và Tàu, các diễn viên có nhiều cử chỉ và động tác thừa. Phải công bằng mà nói là đây đó cũng thấy được những cảnh và cử chỉ diễn xuất hay, rất VN, thí dụ cảnh người con gái bỏ đi bịn rịn quay đầu nhìn lại, hay cử chỉ phùng má phụng phịu.

Về nội dung, các bộ phim thường nói về đời sống của giới trung lưu và giàu có ở thành thị VN hiện nay. Người coi phim bộ VN dể có cảm tưởng là xã hội VN hiện nay giàu đẹp. Cảnh nghèo cũng được đề cập đến nhưng không sâu sắc, không nhiều, không sát thực trạng VN.

Điều làm cho người xem các phim bộ tâm lý, xã hội VN thấy rõ là tính cách dạy luân lý, đạo đức lộ liễu của các phim nầy. So với thực trạng xã hội VN, nó cho thấy sự xuống dốc về đạo đức trong nếp sống và cách giao tiếp của đa số người VN trong nước hiện nay. Vì các phim phần lớn nhằm diễn tả cảnh sống của giới trung lưu giàu có ở thành thị, người xem thấy được cảnh nhộn nhịp của phòng trà, vũ trường, nơi các cậu ấm cô chiêu, các tay áp phe hẹn hò. Bên cạnh đó người ta cũng còn thấy một thân phận đặc biệt của một số phụ nữ, mà người trong nước gọi là «gái bao», vợ lẻ không ra vợ lẻ, mà gái làng chơi không ra gái làng chơi. Có thể tạm gọi là bồ nhí của các ông chủ có quyền, có tiền.

Thành phố Sài Gòn – người dân trong nước bây giờ không gọi Thành Phố Hồ Chí Minh nữa mà gọi gọn lỏn là Thành Phố hoặc Sài Gòn – đông đúc xô bồ, vì người ở các tỉnh đổ xô về tìm việc làm. Do đó việc xây nhà trọ cho thuê phát triển rất mạnh. Cuộc sống chen chúc, nhiều tạm bợ, tình cảm dể nhen nhúm nhưng cũng dể tàn. Hiện tượng phá thai từ những hoàn cảnh khác nhau cũng được nhắc đến nhiều.

Từ ngày VN thi hành chính sách đổi mới, mở cửa, có nhiều người VN đã đi ra nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau, đã trở về thăm quê hương,bà con. Phim ảnh VN bây giờ cũng đề cập đến hiện tượng nầy, có lẽ được sự chỉ đạo của nhà nước, đã lồng vào đó việc ve vãn, chiêu dụ người VN ở nước ngoài trở về thăm nhà hoặc mở những công cuộc từ thiện ( rong khi các quan chức nhà nước đua nhau bòn rút công quỷ bỏ túi không lo gì đến việc cải thiện đời sống của dân nghèo). Việc đi du học của sinh viên cũng được nhắc đến nhiều trong các bộ phim. Những cậu ấm cô chiêu đi du học trở về là đề tài được khai thác dưới nhiều khía cạnh, hay có, dở cũng không thiếu.

Có một bộ phim nội dung coi cũng tạm được, nhưng thấy khó chịu. Bộ phim có tên là Dòng Sông Định Mệnh, kể câu chuyện tình gặp trắc trở của hai thanh niên nam nữ, con của hai gia đình có mối hiềm khích giữa người lớn với nhau. Điều làm tôi khó chịu là trong phim có một vai ác. Người đàn ông trung niên tên Sáu Tiếng thủ đoạn, sống bám vào một người đàn bà goá có tiền của. Những người dựng phim đã cho anh ta mặc quần rằn ri ngụy trang của lính biệt kích thời VNCH, mặc áo thung màu ô liu, lại mang thêm tòn ten trước ngực sợi dây kim loại có thẻ bài. Rõ ràng là người làm bộ phim đã bêu rếu và nhục mạ người lính VNCH, qua cách ăn mặc của người đàn ông đóng vai ác. Dù bộ phim sản xuất năm 2007,2008, hơn 30 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến Quốc Cộng, người Cộng Sản VN vẫn còn tiêm nhiểm trong dân chúng lòng hận thù đối với người lính VNCH, nhứt là với đoạn kết phim, người viết kịch bản phim đã để cho người đàn ông đóng vai ác đó treo cổ lên cây tự tử.

Nhưng như đã nói, điều tôi chú ý là những chữ dùng và cách nói của nguời dân trong nước hiện nay. Qua những bộ phim đã xem, tôi tạm chia ra ba nhóm chữ dùng : những tiếng đã có từ xưa, trước 1975, những tiếng mới bây giờ và những tiếng hán việt nghe lùng bùng lỗ tai.

Về những tiếng dùng trước năm 1975, có những cách nói đã hoàn toàn mất dấu như « bỏ đi tám », « sức mấy », « mệt nghỉ ». Nhưng có những cách nói vẫn còn được giữ lại : như cách những đứa cháu bỏ chữ « ông », « bà » và gọi tắt « nội ơi ! », « ngọai ơi ! » nghe rất dể thương ; cách nói nuốt nguyên âm chót trong một chữ vẫn còn : «sao d(v)ậ(y)?», «phả(i) hôn?», hay như cách diễn tả thái độ vừa hờn dỗi vừa nũng nịu của cô gái khi cô vừa phùng má vừa phát âm chữ «hông!».

Nhưng bên cạnh đó, do sự biến thiên của ngôn ngữ theo đà thay đổi của hoàn cảnh sinh sống, có rất nhiều tiếng mới và cách nói mới, chẳng hạn, bây giờ người ta dùng chữ «oải quá» thay cho «mệt đừ», «quậy» thay cho «phá phách», «đi làm suốt», «đi chơi suốt». Để từ chối, không nhận một lời khen, với một chút giễu cợt và mỉa mai, người ta nói « hổng dám đâu ! ». Để diễn tả sự bực mình có pha một chút thân thiết : « bó tay (với) anh luôn!». Để nói một người lên mặt muốn làm tay anh chị, có chữ mới « trùm sò ». Ngoài ra có một cách nói khá ngộ nghĩnh, để chỉ việc thanh niên nam nữ do tình cảm nẩy sinh trong các khu nhà trọ, sống chung với nhau nhưng không có cưới hỏi, họ nói « góp gạo nấu cơm chung ». Nếu ở Tây phương có fast food thì ở Sài Gòn hiện nay có cơm hộp cũng khá tiện lợi.

Phải nói là cho tới bây giờ người trong nước vẫn sính dùng chữ hán việt đến độ có thể nói là bừa bãi. Ngoài cái khẩu hiệu «nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa» nghe muốn điếc con ráy mà không hiểu người ta muốn nói gì, và những chữ đã được nhiều người Việt ở ngoài nước bắt chước và dùng một cách vô tội vạ và thiếu phê phán như «chất lượng», «hoành tráng» «bức xúc», người trong nước hiện nay còn dùng chữ «kiểm tra» trong bất kỳ hoàn cảnh sinh hoạt nào, và nhứt là lạm dụng cách nói « ấn tượng » như một thứ thời trang chữ nghĩa, đến độ nói : «tôi rất ấn tượng trước cảnh tuyệt diệu đó» thì thật hết thuốc chữa ! Còn có chữ « biến thái » cũng thường dùng để chỉ người trở thành khùng điên hay mất nhân tính, làm bậy.

Để kết thúc phần chữ nghĩa dùng trong nước hiện nay nầy, xin ghi lại tên mấy món ăn trong một bộ phim tôi còn nhớ được, nhằm chiêu dụ người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương :

- uống nước mắt quê hương: rượu đế.

- ngà voi chấm óc khỉ: đậu bắp luộc chấm chao.

- rồng qua sông ( hay: rồng xanh vượt đại dương ): rau muống xào tỏi.

- anh hùng nằm trong lửa đỏ: cá lóc nướng trui.

- Kinh kha nhớ nhà: lẫu mắm.

Bài nầy tôi bắt đầu viết cách nay hai tuần. Viết được phân nửa thì mất hứng, không viết tiếp được, thỉnh thoảng tôi vẫn bị như vậy. Bèn đi coi ké phim bộ Hàn quốc với bà xã. Phim nói về một người con trai và một người con gái yêu nhau chân thành, đã làm đám cưới với nhau. Nhưng trước áp lực chống đối của bên nhà người con trai, dù vẫn yêu nhau tha thiết, hai người đành ra trước tòa xin ly dị. Chuyện đó bắt nguồn từ việc trước khi hai người quen biết rồi yêu nhau, lấy nhau, người con gái vì nhà nghèo, cần có tiền để giải phẫu chữa bịnh cho cha mình, đã hy sinh, không cho người trong nhà biết, nhận mang thai mướn cho một cặp vợ chồng, mà người vợ không thể mang thai được. Hai người đó lại chính là anh và chị dâu của người con trai. Phim được kết thúc theo lối có hậu để làm vui lòng khán giả. Nhưng phải nói là người viết kịch bản phân tích tâm lý các nhân vật khá sâu sắc.

Nqm
23/09/10

No comments:

Post a Comment