31 May 2010

Túc cầu World Cup 2010 Nam Phi

Hình ảnh một số sân túc cầu tại Nam Phi
dành cho những trận so tài
tại World Cup năm nay.
Sức chứa từ 70.000 đến 
62.000 chỗ ngồi

30 May 2010

Thơ NT và VLH cảm đề bức họa Vỗ Cánh





Vỗ Cánh

Thông soi hồ lẻ bóng
Núi sầu ẩn trong mây
Buồn tình chim đập cánh
Trời, nước thẳm hạc bay

VLH
Click to enlarge

Thơ Lan Đàm

* Tro cốt Vũ Công Hùng
đã được mang về VN và để tại
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
bên cạnh tro cốt đứa con đầu của anh
đúng theo ý nguyện của người quá cố.
**
Click to enlarge

29 May 2010

On The Wing

LP

Vỗ Cánh
(On The Wing)
Oil on canvas
20 inches x 24 inches
(46cm x 61cm)
by
A.C.La
*
Click to enlarge)


CÕI HẠC

Cô đơn vỗ cánh về đâu
Lẻ loi bạch hạc nhánh sầu rời xa
Ẩn trong đường nét phôi pha
Sắc màu vàng úa chia xa ân tình
Dường như trong cõi lặng thinh
Là vùng biển động trăm nghìn nhớ quên
Thôi như một thoáng lênh đênh
Giữa thông reo đã chênh vênh phận người
Bay đi cánh hạc lưng trời
Dặm đường rong ruổi cho đời ngẩn ngơ

Như Thương
**

VỖ CÁNH

“Cái hạc bay lên vút tận trời
Tống Biệt, Tản Đà”

Từ đất xa trời đêm rất lặng,
Nghẹn ngào trăng, vò võ đợi ngày.
Góc núi cổ tùng ôm sương nặng,
Hạc buồn, cánh mỏi, lẻ loi bay.

LAN ĐÀM
6/10
**

Vỗ Cánh

Thông soi hồ lẻ bóng
Núi sầu ẩn trong mây
Buồn tình chim đập cánh
Trời, nước thẳm hạc bay

VLH
**

Hạc ơi, biển rộng bao la,
Cô đơn vỗ cánh, biết là về đâu,
Nhánh đời xưa, có phai màu,
Ra đi Hạc nhớ, còn câu... đợi chờ
Thương cho thân Hạc bơ vơ,
Dặm trường lưu lạc, bến bờ nơi nao

Giáng Hương

Léon Tolstoi (Tiếp theo)

Anna Karénine

Tiểu Thuyết Lãng Mạn Nổi
Tiếng Của Léon Tolstoi

Trọng Đạt

Tôn giáo dưới nhãn quan Tolsoty lại hoàn toàn khác với đạo của Giáo hội mà ông cho chỉ là hình thức. Như ở đây cuộc đời mở ra cho Kitty một thế giới mới với tinh thần tín ngưỡng nhưng cái tôn giáo này không liên hệ gì với đạo mà nàng đã biết từ hồi còn nhỏ với những kinh cầu, đó là tôn giáo huyền bí cao cả uyên thâm mà người ta bảo mình phải tin vào đó. Tolstoy con người sùng đạo, tin Thượng đế nhưng chống lại Giáo hội mà ông cho chỉ là những hình thức, những lời giảng uyên thâm bắt người ta phải tin tưởng.

5-Khía cạnh văn chương 

Morris Philipson nói Tolstoy đã hoàn thành hai tác phẩm tuyệt vời nhất chưa từng có: Chiến Tranh Và Hoà Bình và cuốn tiểu thuyết bất hủ thứ hai Anna Karenina.

“Những cuốn này hình như không có vẻ là những tác phẩm nghệ thuật, ta có cảm tưởng đó chính là cuộc đời.
Có lẽ lý do đơn giản nhất của nó là đặc tính trước hết của nghệ thuật hiện thực là thể hiện được những cái gì tiềm ẩn mà người ta không nói lên được.”
(These novels do not seem to be works of art; they give the appearance of being life itself.
Perhaps the simplest reason for this is that the primary characteristic of the realist’s art is to make explicit what is implicit but inarticulate in all men” -- The Count who wished he were a peasant , page 69, 70).

Các nhà nghiên cứu điển hình là giáo sư Dmitry Svyatopolk Mirsky trong Lịch sử văn học Nga đề cao giá trị hiện thực trong hai cuốn tiểu thuyết lớn kể trên của Tolstoy. Người ta cho rằng tác giả đã thể hiện được cuộc sống của người dân Nga một cách chân thực như Morris Philippson. 

Mặc dù Tolstoy thừa hưởng điền sản của gia tộc và quản lý trang trại nơi thôn quê nhưng thế giới quí tộc nơi kinh thành Petersburg, Mạc Tư Khoa trong tác phẩm của ông đã được diễn tả thực đến độ người ta tưởng như nó chính là cuộc đời. Trong Anna Karenine, Tolstoy bỏ nhiều thời gian nghiên cứu công phu luật gia đình, thủ tục li dị, sinh hoạt giới thượng lưu… để dựng lên cả một thế giới quyền quí giả dối của xã hội phong kiến Nga hoàng cũng như sau này trong Resurection, cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng, ông nghiên cứ luật lệ toà án kỹ càng, đi thăm các nhà tù, đường đi Tây Bá Lợi Á để dựng lên cả một thế giới sống động y như trong phim ảnh, Tolstoy cũng là nhà dàn cảnh điêu luyện.

Từ cái chết thảm thương của một người đàn bà thất vọng vì tình tự vẫn tại nhà ga xe lửa, Tolstoy đã dựng lên cả một bi kịch sống động, tạo ra nhiều nhân vật để hoàn thành cả một xã hội quí tộc phong kiến thời Nga hoàng, nay đọc lại người ta có cảm tưởng cả một xã hội xa xưa đã được làm sống lại như trong phim ảnh. Các nhân vật của tác phẩm từ các vai chính Anna, Karenine, Vronsky, Kitty, Levin.. đến các vai phụ Dolly, Stepan… đã họp nhau thành vở kịch lớn, một xã hội thượng lưu. Vai chính vai phụ đều có những cá tính riêng: Một Karenine cao thượng, quảng đại nhưng giả dối chỉ biết bề ngoài, một Kitty đạo đức vị tha, một Anna lãng mạn tất cả cho tình yêu, một Vronsky hy sinh sự nghiệp cho tình yêu, một Levin triết gia đi tìm hạnh phúc…. 

Tolstoy lấy tên nhân vật thực Anna đặt cho tác phẩm để xây dựng cuộc đời nhân vật nữ, một bà mệnh phu nhân tuyệt sắc có những nét độc đáo khác thường. Nói về nghệ thuật diễn tả nội tâm thời cổ điển các nhà nghiên cứu không ngớt lời ca ngợi Tolstoy và Dostoievsky, mỗi tác giả có một nghệ thuật riêng, Tolstoy diễn tả nội tâm những người bình thường của xã hội trong khi Dostoievsky hướng về những nhân vật bệnh hoạn khác thường.

Với Anna Karenina nghệ thuật tả tâm lý của Tolstoy đạt tới trình độ tuyệt vời ở cả hai nhân vật mang tên tác phẩm nhất là độc thoại của Karenina về nhà sau buổi tiệc trà tại nhà Betsy, thấy vợ mình ngồi cạnh Vronsky tâm tình thân mật bội trong lòng . Tác giả ví như Karenina đang đi trên cầu , cái cầu có vết nứt, vết ấy chính là cuộc đời, các nhà phê bình cho nghệ thuật độc thoại của Tolstoy đã đạt tới đỉnh cao như ở đây Karenina băn khoăn lo lắng nghĩ đi nghĩ lại, có khi cho ghen là điều xấu hổ, tự hạ giá mình, có khi thấy mình phải có bổn phận hướng dẫn, cảnh giác nàng.

Levin được bạn Stepan đưa đến thăm em gái Anna, Levin thấy chân dung nàng tuyệt đẹp, rồi thấy chính Anna bằng xương thịt, nàng đẹp tuyệt trần hơn người trong tranh vẽ. Trước đây chàng nghĩ không tốt về nàng nay thấy tội nghiệp cho nàng, người đàn bà thông minh, thẳng tính, chàng nhĩ đến nội tâm nàng hàng giờ. Anna biết Levin say đắm sắc đẹp của mình và đã mê hoặc chàng rồi tự mãn. Tác phẩm thể hiện nhiều cuộc độc thoại của Karenina, Levin, Kitty… nhưng với Anna thì thật là tuyệt diệu, nhân vật Anna quá độc đáo xứng đáng đặt tên cho tác phẩm.

Mấy chục trang giấy cuối Phần Bẩy, đã diễn tả một cách tuyệt vời bi kịch cuộc đời nàng Anna từ khi ghen bóng gió nghi ngờ đến hận thù, trả thù tình yêu phai nhạt của chàng. Nàng nghĩ đến cách trả thù bằng cái chết của mình, đến sự khủng hoảng tinh thần, tâm trí nàng rối bời và cái chết. Sự diễn tả của Tolstoy đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

Đoạn chót, cơn khủng hoảng tinh thần rối bời của Anna đã được ngòi bút Tolsoty diễn tả từng chi tiết cho thấy lý do nàng gieo mình trên đường rầy xe lửa. Anna nghi ngờ Vronsky đang gặp mẹ chàng và công nương Sorokina, chắc chàng đã yêu người đàn bà nào khác. 
Vronsky đi công chuyện trở về, họ cãi nhau, chàng ta nói anh chịu hết nổi em, Anna đe doạ: Anh sẽ phải hối hận. Vronsky bỏ đi gặp bà mẹ, nàng nghĩ thế là hết, bỗng ngọn nến tắt, nàng sợ hãi nhớ tới cơn ác mộng rồi chạy đi tìm gia nhân hỏi Bá tước đâu rồi sai nó đem thư cho chàng nói : E m nhầm rồi, anh về ngay, em giải thích sau, em sợ quá. “
Anna chờ mười phút, hai mươi phút không thấy chàng về, tâm trạng nàng rối bời như tơ vò, Anna sốt ruột nhìn đồng hồ, nàng sai gia nhân đem thư tới cho chàng tại nhà bà mẹ rồi đem thư trả lời về. Thay quần áo định đến gặp chị dâu Dolly, nàng khóc rồi cuống lên hỏi người tớ gái ta biết làm sao bây giờ, đưa tớ gái bảo thưa bà sao bà cuống lên vậy, xin bà đi chơi cho khuây khoả. Anna đến thăm Dolly có gặp Kitty, cô ta không có cảm tình với Anna. Nàng lên xe đi trong lòng nghĩ tới cái chết, hai chị em Dolly Kitty tiếp đón Anna, khi nàng ra về, họ khen nàng vẫn đẹp nhưng nói tội nghiệp cho nàng.
Anna ghen lồng lộn nghĩ chàng đang cùng công nương Sorokina trò truyện như đùa cợt trên sự đau khổ của nàng. Anna nghĩ tới cái chết, nàng quyết đem cái chết để trừng phạt chàng để lấy lại tình yêu trong tim chàng. Anna rối bời nghĩ Vronsky đã chán chường mình không còn thiết tới nàng, nàng nghĩ tới đứa con trai, nàng đã bỏ cả con theo chàng, đã đánh đổi nó với tình yêu một người khác nay tình yêu người ấy đã tàn. Anna lên xe ngựa tới nhà ga, rồi đi xe lửa tới trạm Obiralovka, nàng nhận được thư Vronsky do người đánh xe trao lại, chàng nói sẽ về lúc mười giờ , Anna căm giận .. đi lại trên sân ga rồi quyết định nhẩy vào đầu xe lửa đang chạy tới để trừng phạt người yêu. Đoạn văn tả cảnh tự vẫn thật hãi hùng ghê rợn như một âm thanh cao vút lạnh lẽo trong một bản nhạc êm dịu.
Nhiều người đánh giá cao lối kết luận chuyển sang bi kịch của Tolstoy khi ông không chiều ý độc giả bằng kết thúc happy ending mà nhiều người ưa thích. Ở đây Karenina, Anna, Vronsky chỉ hoà thuận với nhau trong giờ phút ngăn ngủi rồi chàng và nàng lại cùng nhau bỏ đi ngoại quốc. Ở Resurection Tolstoy không để Nekhlioudov, Maslova bên nhau mãi mãi nhưng anh chị chia tay tại bờ sông khi nàng theo đoàn tù đi Tây Bá Lợi Á. 
Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nói:

“Trong giờ phút nguy kịch, quan trọng ấy người chồng chuộng hình thức và người ỵêu của nàng hoà thuận với nhau, sự tha thứ của Karenina mang vẻ dứt khoát và lương tâm của Vronsky như vô cùng xúc động về tội lỗi mình đã làm. Ở chỗ này nhiều tiểu thuyềt gia khác có thể đã có kết thúc êm đẹp để chiều độc giả. Dostoevsky cho đây là một cảnh tuyệt nhất của tác phẩm như tội lỗi được tô điểm màu sắc tinh thần và kẻ tử thù đã trở thành anh em với nhau trước hình ảnh cái chết” Trang 91.
(By her bedside at this solemn and crucial time her sour, formal husband and her lover are reconciled. Karenin’s forgiveness has an air of finality and the Vronsky’s conscience seems deeply moved by the realization of the sin he has committed. At this point another novelist might have made a concession to the public’s fondness for a happy ending. Dostoevsky thought it the greatest scene in the work, one in which guilt is spiritualized and mortal enemies are transformed into brothers before the spectre of death. Page 91, Introduction To Tolstoy’s Writings)

Nghệ thuật hướng nội và độc thoại ở Anna đã đạt tới đỉnh cao, có thể là lý do khiến tác phẩm đã được phổ biến sâu rộng trên thế giới và còn được ca ngợi cho đến ngày nay.

6-Điện Ảnh.
Anna Kareina đã được quay thành phim nhiều lần cũng như được phỏng theo để đưa vào nhiều chương trình nghệ thuật khác: 

28 May 2010

Thử nghe các quan chức trong nước phát biểu

Đương kim vô địch vs Đang nắm giữ

Dư luận trong cộng đồng Người Việt ở hải ngoại lâu nay than phiền về cách diễn tả , lối phát biểu của người trong nước hiện nay. Ngay cả những người hiện nắm giữ những vị trí chuyên môn nhiều khi rất quan trong cũng có những lối diễn tả rất lù mù. Chẳng hạn như một thanh niên trong giới thể thao trong nước phát biểu trong một đoạn đăng trên đài VOA Việt Ngữ mà khi xem/nghe* độc giả không biết đội Ý hay đội Brazil hiện đang nắm giữ chức vô địch thế giới. Ngay trong câu nhập chuyện, anh chàng này phát biểu:
"Các tuyển thủ áo xanh được mệnh danh là Azzurri của Ý đến Nam Phi vào tháng 6 này với tư cách là nhà đương kim vô địch, và nếu họ bảo vệ thành công danh hiệu World Cup năm nay, thì họ sẽ đạt được kỷ lục 5 lần vô địch thế giới mà người Brazil đang nắm giữ."
Có lẽ chữ "MÀ" trong câu chót thay bằng chữ "NHƯ" thì còn có nghĩa.

Rồi: "bảo vệ thành công danh hiệu World Cup" cụm từ này cũng lơ tơ mơ nốt. Bảo vệ danh hiệu World Cup là bảo vệ cái gì? Sao không nói "thắng được cúp" hay "lại giựt được cúp" có phải dễ hiểu không? Cái bệnh nói hoa hòe hoa sói tưởng là hay nhưng tối om quả là đã lây lan một cách trầm trọng ở VN hôm nay!  (ĐiềnThảo)
____
* Bài phát biểu có kèm cả MP3)

World Cup Nam Phi 2010

Còn chưa đầy 20 ngày nữa vòng chung kết World Cup sẽ khởi tranh tại Nam Phi, một nhân viên của ban tổ chức đang treo cờ trang trí tại thành phố Johannesburg, ngày 21 tháng 5, 2010. (Photo AP)

Bài được thân hữu giới thiệu

Ban Việt Ngữ đài BBC và Việt Nam

Trong thời gian gần 10 năm trở lại đây, người Việt hải ngoại nhận xét với nhiều bất mãn cho rằng các nhân viên ban tiếng Việt của đài BBC là Việt Cộng, ý nói họ là nhân viên của nhà cầm quyền Việt nam, chuyên loan tin một chiều. Nhưng đó chỉ là những đồn đãi và bất mãn mà chưa ai nêu lên một bằng chứng nào. Nhưng qua dip tiếp xúc trực tiếp, một thành viên trong ban Việt Ngữ đài BBC đã vô tình hé lộ cho người viết rằng gần như họ làm việc khá chặt chẽ với sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt nam.
Nghe giọng nói của các xướng ngôn viên trong ban tiếng Việt BBC trong gần 10 năm trở lại, người Việt hải ngoại nhận ra ngay đó là giọng nói của những người miền Bắc hay từ miền Bắc vào Nam sau 1975 hay con cháu của những người này dù được sinh đẻ trong Nam. Kể từ ngày 30/4/1975, cùng với hàng triệu người miền Bắc tràn vào Nam là giọng nói đặc biệt của họ, giọng của người Hà Nội hiện nay mà họ tự hào là một giọng nói chuẩn. Cộng đồng người Việt hải ngoại thì không cho rằng đó là giọng nói chuẩn của người Hà Nội trước 1954.

Nhưng với chương trình phát thanh Việt Ngữ của một đài hải ngoại như đài VOA mà người viết có thời gian làm việc thì nhận định của người Việt hải ngoại về giọng nói của người miền Bắc hiện nay không thành vấn đề. Điều quan trọng là các chương trình đó đang nhắm tới các thính gỉa trong nước và họ thấy rằng người Việt hải ngoại xa nước lâu ngày rồi, giọng nói không còn dễ nghe đối với người trong nước nữa, vì thế về lâu về dài họ muốn tuyển các xướng ngôn viên và biên tập viên từ trong nước để dễ tiếp cận thính giả trong nước hơn. Tuy nhiên hiện nay đại đa số nhân viên kỳ cựu của ban Việt ngữ đài VOA vẫn là người Việt hải ngoại thế hệ thứ nhất và cộng đồng người Việt hải ngoại thế hệ thứ nhất tại Hoa Kỳ, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt vẫn còn thừa khả năng cung ứng nhân lực cho nên ban Việt ngữ đài VOA chưa tuyển nhiều nhân viên từ trong nước.

Có lẽ đài BBC cũng có mục tiêu tuyển dụng nhân viên ban Việt ngữ từ trong nước như đài VOA. Đồng thời tại Anh quốc, đa số thuyền nhân thế hệ thứ nhất đều gốc miền Bắc, trình độ văn hóa thấp, lại không chịu và không có khả năng theo học đại học Anh quốc nên không cung cấp được đủ nhân lực thông thạo cả hai ngôn ngữ cho ban Việt ngữ đài BBC. Hai lý do vừa nêu khiến BBC phải tìm mướn những người trẻ tốt nghiệp đại học trong nước. Trong 10 năm qua, những giọng nói quen thuộc với thính giả từ trước 1975 của các xướng ngôn viên người miền Nam đã biến mất, chỉ còn các xướng ngôn viên gốc miền Bắc với giọng nói của đặc thù của họ.

Việc tuyển dụng người từ trong nước chính là đầu mối để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện 2 mục tiêu: 1-Lợi ích cá nhân: Chỉ cho phép các con cái những cấp lớn được thu dụng vào BBC. 2-Lợi ích tình báo: Thực hiện chiến thuật cổ điển về tình báo của miền bắc là “Nằm sâu, leo cao” để thu thập tin tức của nước ngoài và dần dần tiến tới khuynh đảo cơ quan truyền thông nước ngoài, biến cơ quan truyền thông nước ngoài thành cái loa tại hải ngoại của truyền thông “lề phải” ở trong nước. Chiến thuật tình báo “nằm sâu, leo cao” đã được chính quyền miền Bắc áp dụng thành công trong rất nhiều trường hợp trong chiến tranh Việt nam, ví dụ họ đã cài được cả nhân viên tình báo làm cố vấn tổng thống miền Nam (điệp viên Huỳnh Văn Trọng) và cài được một nhà báo có uy tín trong giới báo chí quốc tế (điệp viên Phạm Xuân Ẩn.)


(Anh NMT Toronto giới thiệu)

26 May 2010

Tiểu luận (tiếp theo)

Trong truyện cổ tích dân gian “ Thằng Cuội ”, cây đa có khả năng “ trị bá bịnh “, “ cải tử hoàn sinh ”, là biểu tượng Minh triết của nền văn hóa nông nghiệp Thần Nông, nên khắp nẻo đường đất nước, nơi nào có mái đình làng là nơi đó có cây đa với cội rễ dài, vững chắc, đã bao đời chống chọi bão tố che chở mái đình làng nước Việt Nam. Biết Cuội có cây đa quý, bọn cướp chơi ác, giết vợ Cuội, moi ruột vứt xuống sông cho trôi đi mất. Khi Cuội trở về nhà thì vợ đã chết, mớm bao nhiêu lá đa cũng vô hiệu. Cuội đành mượn ruột chó để thay vào, quả nhiên người vợ sống lại, vẫn trẻ đẹp như xưa, nhưng tính tình thay đổi dần, lại hay quên. Cuội cẩn thận căn dặn vợ: “ Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây dông lên trời! ”. Vợ Cuội lú lẫn, quên lời dặn, đái bậy bên Đông là mệnh của hành Mộc, nên cây đa bay mất. Đó là truyện cổ tích, còn trong thực tế thì có biết bao người phóng uế bừa bãi, không thương tiếc vào nền Minh triết Việt, không biết do vô tình hay cố ý, đều làm lợi cho giặc cướp cả.
Sự kiện lịch sử được xác định rõ ràng trong một không gian, thời gian nhất định, còn sự kiện huyền sử thì lại mông lung, có thể tái diễn bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Câu nói của Thần Kim Quy: “ Giặc ngồi sau lưng nhà ngươi đấy! ” không bao giờ lỗi thời. Thật vậy, không phải chỉ có giặc ngoại xâm không thôi, mà còn có cả giặc từ bên trong nữa như ca dao, tục ngữ trong dân gian đã chỉ rõ ra hành động tác hại của họ:
Cõng rắn cắn gà nhà.”
“ Rước voi giầy mả tổ.”
Ruột người mà thay bằng ruột chó, tâm linh nhân bản mà thay bằng tâm duy vật thì như cái xác không hồn, làm sao không mắc bệnh mất trí, nhìn bạn ra thù, lấy thù làm bạn, làm sao ý thức được bảo vật của Tổ Tiên. Bảo vật đó là Đạo Việt với Việt lý uyên nguyên, là nền Minh triết Việt hiếm có, là nguồn suối, là giếng Việt với dòng nước Cam tuyền vô tận của Tổ Tiên để lại dưới dạng ẩn giấu do hoàn cảnh ngoại xâm, nay như cái giếng bị bỏ hoang phế, con cháu cần phải khai thông để đón nhận nguồn nước Cam tuyền dịu ngọt. Ai có khả năng làm công việc này? Xin thưa là tất cả những ai làm sáng được đức sáng của tính Việt. Người nào cũng có khả tính ấy cả, nhưng tập trung đúng mức và làm thể hiện được khả tính ấy thì rất công phu. Tục ngữ có câu: “ một con én không làm nên mùa xuân ”, cho nên cần kết hợp một nhóm người có cùng chung hoài bão; mà một nhóm người cũng chưa đủ, cần phải có sự biểu đồng tình của toàn dân, sự chủ động đưa vào quốc sách và trực tiếp bảo trợ của một chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân. Có được như thế, mới có thể hình thành nỗi một nền quốc học cho nước nhà với nền văn hóa vừa có tính nhân bản truyền thống tâm linh, vừa có tính văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Nếu nói theo Việt lý thì đó là Triết lý quân bình, rất cân đối, hài hòa giữa hình vuông của bánh chưng, tượng trưng cho Đất và hình tròn của bánh dày, tượng trưng cho Trời, là Minh triết của Lang Liêu, Tiết Liệu trong truyện cổ thời Hùng Vương của nước Văn Lang.

10-year Journey around the snow country



Khi bài viết này được post lên, theo thời biểu, tôi đang ở trong chiếc máy bay Boeing 737 chuẩn bị cất cánh rời phi trường Edmonton, Alberta, trực chỉ Toronto, Ontario vào trưa chủ nhật. Tâm trạng tôi lúc đó hẳn là buồn lắm vì phải rời bỏ nơi mình sống khá lâu, và chắc chắn cũng bồi hồi vì sắp về lại chốn xưa nơi trước đây tôi đã sống 16 năm. Chuyến bay này không giống những chuyến bay khác vì là chuyến bay với chiếc vé một chiều...
Theo dương lịch đã là năm 2010, nhưng theo âm lịch chúng ta vẫn còn sống trong năm Kỷ Sửu song hành với năm dương lịch 2009. Theo tử vi thì một năm là một tiểu hạn, và mười năm là một đại hạn.

Dường như mười năm qua là một đại hạn của một người mà thân phận có lẽ đã gắn liền với sao thiên di. Từ khi có tử vi tức sau 12 tuổi, tôi chưa hề sống ở một địa chỉ nào quá năm năm, chưa sống ở thành phố nào quá mười năm: Mississauga 9 năm, Edmonton 8 năm, Toronto 7 năm, đó là ba thành phố tôi sống lâu nhất.

Sở dĩ tôi nói "dường như" là vì tôi không rành tử vi, chỉ biết lõm bõm vài điều, rồi suy nghiệm từ đời mình mà phỏng đoán đó là một chu kỳ đại hạn. Ra đi năm Kỷ về lại năm Kỷ. Con mèo thúc giục tôi đi; con trâu réo gọi tôi về.

Ra đi giữa năm Kỷ Mão trong chiếc xe van với mớ kiến thức và kinh nghiệm trong ngành ấn loát kèm graphic design. Nay trở về cuối năm Kỷ Sửu với cái nghiệp dư vẽ tranh sơn dầu. Chiếc xe giang hồ mười năm trước lăn bánh khởi hành từ Ontario vượt qua biên giới phía nam nương theo những xa lộ thênh thang xuyên suốt các bang cực bắc nước Mỹ, ghé thăm hai thằng bạn. Nay trên đường về lại Ontario từ Alberta, không còn gặp lại được nữa: Một người đã di về Texas tìm cái không khí ấm áp, một người đã thành người thiên cổ.

Quá nhiều biến đổi. Tôi đã mất một trong những người bạn thân nhất, hiểu nhau nhất. Những người bạn tôi để lại Toronto, Ontario, cũng đã mất đi dăm ba. Còn lại là những hình hài xiêu xiêu bóng chiều, là những nét mặt trầm ngâm. Nhưng không sao. Giấc trưa ta vui nhễ nhại theo giấc trưa. Xế chiếu ta vui với gió mát buổi chiều. Chẳng có gì phải bi quan. Như một đứa trẻ đi trọ học xa, nay trở về nhà nghỉ hè thấy lòng cũng rộn rã. Tôi cảm động khi hay tin các bạn cũ đều vui khi biết tôi trở về.

Trở về sau chuyến du học mười năm, hành trang đời người nặng thêm một chút. Những bài học khó nuốt nhưng lâu dần cũng xong. Tuy vậy giũa những nghịch cảnh cũng có những điều hay: Mười năm qua gặp nhiều tai biến nhưng cũng nhìn ngắm được nhiều cảnh mới lạ, quen thân được một số người tốt bụng, có thì giờ đào sâu vào ngành họa.

Tập tễnh đọc và vẽ sơn dầu thực sự bắt đầu ở Vancouver, B.C., nhưng đa số các bức họa lại sáng tác ở Edmonton, Alberta. Trong khi hình ảnh các họa sỹ ngồi vẽ trong các công viên ở Vancouver đã là lời mời gọi khởi đầu, thì cảnh vật hũng vỹ ở Alberta lại là nguồn kích thích giúp tôi đi tới.

Trên bảng số xe tại tỉnh bang BC cực tây Canada, nơi tôi sống hai năm, có ghi hàng chữ "Beautiful British Columbia". Mà cũng đúng. Cảnh trí ở đó biến đổi không nhàm chán. Có núi, có biển, cây cối sum xuê, mùa xuân hoa nở rộ kiêu hãnh. Nơi đó còn có mây mù ôm đỉnh cao, có mưa rào gần như quanh năm. Cỏ cây luôn xanh tươi không đâu bằng. Người xưa nói "Người có trí vui với núi. Người có nhân vui với nước" (Trí giả lạc sơn. Nhân giả lạc thủy). Núi non sông biển tôi đều thích, nhưng xét ra quả thấy thẹn với người xưa, thẹn với lòng, thế nên câu nói của cổ nhân không suy đoán cho trường hợp của tôi được.

Chữ "dại" trong tiếng Việt có cái nghĩa khiến người ta ngại ngùng, muốn xa lánh. Chữ "hoang" có thể gần gũi hơn để dịch chữ "wild" của Anh ngữ như trong cụm từ "Wild Rose Country" ghi trên bảng số xe của tỉnh bang Alberta, nơi tôi sống tám năm vừa qua, và là nơi đang từ giã ra đi.

Alberta có hai công viên quốc gia nổi tiếng đó là Banff và Jasper nằm dọc rặng Rocky Mountains ở phía tây. Núi non hùng vĩ thu hút du khách khắp thế giới. Cảnh hoang sơ vẫn còn đó. Cây cối dệt thảm từ lũng sâu bao phủ lên triền núi. Nhiều khu mênh mông chưa hề bị con người đến khuấy động. Những vách đá sừng sững bất ngờ mà khi nhìn thấy lòng người bỗng trải ra xa, bớt bó kín hẹp hòi.

Ở đây con người không muốn lấn chiếm giành giựt với thiên nhiên. Phát triển chừng mực. Giá địa ốc rất cao và người mua phải là cư dân tại đó. Sở dĩ có luật này là để ngăn ngừa giới tư bản đầu cơ khiến giá tăng vọt thêm và hệ quả là cảnh trí bị tàn phá.

Nhiều điều ở đây sẽ khiến tôi không quên được nơi này. Cư dân lịch sự và thông cảm. Tất nhiên thành phần ngược lại nơi nào cũng có nhưng ở đây có vẻ ít đến độ không đáng kể.

Có một lần trong mùa đông, đường xá ngập tuyết, tôi lái xe giao pizza, từ giã khách hàng tôi nói: "Enjoy your pizza", anh ta trả lời : "and you enjoy your road!" Cả hai chúng tôi đều cười xòa. Thực khách có vẻ thông cảm với drivers, vui đùa lúc nào hay lúc ấy để quên những phiền muộn trong cuộc sống của mình, của người.

"Ông vô nhà. Ở ngoài lạnh lắm" (Come on in. Freezing outside) đó là câu tôi thường nghe thấy từ khách hàng khi tôi giao bánh trong những ngày đông giá tuyết. Xin mở ngoặc ở đây, da dẻ rải rác đồi mồi không còn căng và những sợi tóc bạc khiến tôi lên chức "Sir". Thank you, Sir (!).

Chỉ có một lần duy nhất trong bốn năm, một khách hàng đứng trong nhà, không để tôi vô, chỉ hé cửa đủ để đưa tay ra trao chiếc thẻ Debit trả tiền, làm như người đưa bữa tối đến cho cô ta là một khúc cây, không biết lạnh là gì. Trước con mắt của cô, một thứ con mắt bị nhiễm phong hóa vị kỷ từ gia đình và từ cái xã hội cô ta sinh ra, ngoài cô ta, gia đình cô ta ra không ai là đáng kể. Tha nhân chỉ là bộ phận của xã hội có mục đích phục vụ cho mình, cho gia đình mình, cho tập cấp mình. Tha nhân không phải là đối tượng thương yêu lo lắng.

May thay chỉ có một khách hàng như thế, nhưng tiếc rằng người đàn bà trẻ ấy lại là một người da xậm màu, thuộc 'nhóm thiểu số trống thấy'. Và còn đáng tiếc hơn nữa là tôi đã không kềm chế được sự bực tức pha thêm chút tinh nghịch: Khi trao thẻ lại, tôi cố tình đẩy toang cánh cửa cho gió lùa vào để cô ta tập vui hưởng một chút cái buốt giá bên ngoài cùng với người khác.

Ngồi trên máy bay, chắc tôi sẽ còn nghĩ ngợi nhiều điều. Không biết là những gì nhưng chắc chắn khi rời chiếc phi cơ cũng chính là lúc tôi từ giã "cái nghề" phụ đã giúp kiếm thêm lợi tức cho gia đình và đã giúp giữ sức khỏe cho bản thân. Mỗi ngày lái xe và đi bộ trung bình 5 tiếng, hít thở không khí trong lành, có cơ hội trao đổi chuyện trò, bông đùa qua lại với những người khác, điều này quan trọng vi cô độc dễ đi đến trầm cảm hoặc, nặng hơn, có thể bị điên. Ấy là chưa kể có những lần thấy trăng đẹp quá bèn ngừng xe lại ngắm cái đã, tiền bạc tính sau!. Thử hỏi có ai điên tự nhiên xách xe chạy ra giữa cánh đồng phủ đầy tuyết để ngắm trăng? Thế thì đây rõ ràng là một dịp hiếm ít ra với những người sống nơi thành thị.

Vòng ngoài giao dịch là thế. Còn nói đến cái vòng trong nhỏ hơn thì tôi gặp lại được những người bạn cũ, quen thân được nhiều người mới trong đó có các đồng môn cựu sinh viên quốc gia hành chánh ở Vancouver, ở Edmonton, ở Seattle... Một vài người là văn sĩ, thi sĩ và hoạ sĩ. Vui chán! Thú thật, không có những bạn bè ở địa phương như thế, tinh thân tôi hẳn đã xuống dốc.

Khi bạn đọc tới đây, chắc chiếc máy bay có tôi trong đó cũng sắp hạ cánh. Hai đứa con tôi ở bên ấy sẽ đón tôi về sống với chúng. Rồi tôi sẽ ráp lại giá vẽ, đưa canvas lên, nặn màu ra khay, quệt lên vải và đi vào cõi mộng. Trong những lúc như thế chính là những lúc sung sướng nhất vì hoàn toàn được sống như ý muốn, quên bẵng thực tại. Những lúc ấy xin đừng lôi tôi về thực tế. Nói cho cùng, tại cái vùng Bắc Mỹ này chẳng ai có thì giờ làm rộn mình trừ những đứa con còn cần đến người cha chưa thể thiếu vắng trong đời sống của chúng.

Đứa con sau cùng, Út Ít của tôi có thể là người duy nhất sẽ lôi tôi về thực tế, là người sẽ còn gây phiền hà cho bố, những chuyện phiền hà mà nếu thiếu, cuộc sống không còn là cuộc sống phong phú nữa.

**

- Mai bố cho con đi nhuộm tóc nha bố.
- Màu gì?
- Màu nâu nâu, con thích.
- Bố thấy trời cho sao để vậy. Tóc đen như con, bố thấy đẹp nhất.
- Không cho con nhuộm thì nói thế thôi.
Nhìn phản ứng trên gương mặt tôi giây lát, bé nói tiếp:
- Màu đen đẹp sao bố vẽ nhiều cô gái màu tóc nâu nâu đó!
- Ừ... mà tóc con cũng có đen lắm đâu.

Tôi trả lời vớt vát giống như một viên tướng thất trận vẫn còn muốn bám víu vào những chiến thắng một thời của mình để biện minh. Tôi nhận ra rằng vào tuổi này mà vẫn chưa sống thực với lòng mình, chưa cởi bỏ được hết những kềm kẹp không hợp lý của quá khứ.

Tôi bỏ cọ xuống, lững thững đi lại tủ lạnh rót ly rượu chát, nhâm nhi những giọt vui buồn xen kẽ trong quãng đời mười năm vừa qua./.

A.C.La
Edmonton
1/2010
*****
Những lời thăm hỏi

Về rồi hả? Chừng nào rảnh đ/t cho anh em nhé. Bài viết của anh cảm động lắm... Thân ái. (PQH, Toronto)
***

Mình tưởng như câu chuyện huyền thoại? Phải chăng hành trình cuộc đời con người có cái thực, cái ẩn nó tạo thành thân phận con người? Quả thực mình trộm nghĩ, Vĩnh đang ôm ấp đời sống tâm hồn thật phong phú? Đọc tâm sự của Vĩnh, mình sực tỉnh mình đã khác xưa quá nhiều, phải không? Mong rằng về tuổi già mỗi đứa sẽ có sự bình an trong tâm hồn... Thỉnh thoảng liên lạc cho vui. Bạn hơi bận rộn nên có vẻ quên bạn bè xưa? Hy vọng vĩnh vẫn khỏe mạnh và bình an...(NTH, Sacramento)
***
Dear Vinh:
Welcome back (to toronto)!
Khi nào ổn định nhớ cho mình biết địa chỉ và số điện thoại mới... Ngày 27 tháng 2 anh em ở đây có họp mặt nhau (và có điểm danh), vĩnh có về được không? Mong nhận được tin và cầu chúc vĩnh và gia đình luôn bình an...
sincerely (LQT, Nam California)

***
Thu xếp ra đi sau mười năm là một quyết định lớn trong đời và xáo trộn đời sống không ít tuy nhiên về gặp lại và sống gần gũi cùng các con là niềm vui lớn trong đời là quyết định đúng đắn vì các con còn trẻ gốc rễ cần phải bám trụ cho cây vững sống còn người già chúng ta đã bị bứng gốc rễ nhiều lần rồi nên đã quen không hề chi.
Thì ra Nguyển huynh cũng trôi theo dòng đời khắp nơi từ đông sang tây sống đời "giang hồ" đầy thi vị sông núi viển tây Vancouver hùng tráng núi biển rồi đến vùng đồng bằng Alberta bao la cây cảnh thiên nhiên kỳ thú của bắc Mỹ châu, tâm hồn nghệ sĩ thêm cảnh sinh tình mượn bút cọ diển tả văn thơ và tranh vẽ tô màu sắc thắm cho cuộc đời tha hương lưu xứ thêm đậm đà cộng thêm hảo bằng hữu thưởng thức nhạc hay thơ trữ tình dí dỏm, văn chương truyện lạ , hình ảnh đẹp cùng tin tức thời sự nóng hổi trao đổi tâm tình tri kỷ chia xẻ buồn vui qua trang mạng điện tử tuy xa ngàn dặm mà xem như gần trong gan tấc . Chúc Nguyển huynh mọi như như ý.
Quí mến,
VLH, Florida

***
Tôi vừa trở về Toronto từ Paris được vài ngày, hôm nay thức sớm đọc bài "Vòng Quanh Xứ Tuyết" của anh trên Diễn Đàn Đốc Sự, bài viết chất chứa nhiều tâm sự của anh thật cảm động. Hồi July 1984 tôi cũng giã từ thành phố Lethbridridge, tỉnh Alberta, để dời về Toronto. Làm ơn cho biết khi anh đến Toronto, tôi mong gặp lại anh. Anh em mình cũng nhớ anh lắm. (NVT., Toronto)

25 May 2010

Thơ VLH



Nhớ thuở xưa khi Em còn trẻ
Hoa Sứ cài hồng mái tóc xanh
Nắng mai bướm lượn vườn hoa ngát
Hương tóc Em thấm mát vai Anh

Suối tóc Em cài vương hoa nắng
Hoa đời còn thơm ngát hương trinh
Hoa Sứ tóc xanh màu áo trắng
Gió lay tóc xỏa nụ cười xinh

Dừng bước giang hồ đôi chân mỏi
Thoảng mùi hương tóc vẫn chưa quên
Hoa Sứ nhà ai bên thềm vắng
Hương Sứ thơm hay mùi tóc em

Hoa tim vẫn nở cùng hoa Sứ
Biết bao lần nắng nhạt hoa mềm
Hoa Sứ tàn hoa tim vẫn nở
Hoa và Em đời ngát hương thơm.

Vũ Long Hương
Tặng những tâm hồn
yêu Hoa và Kỷ niệm.

Par Hasard




Tình Cờ
(Par Hasard)

Oil on canvas
20 x 24 inch (51cm x 61cm)
by
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

24 May 2010

Suy nghĩ về một cuộc cờ


"Nhờ ơn trời đất, nhờ ơn ông bà tổ phụ, tôi có tròm trèm dăm ba chữ tuy không đi đến đâu về duy vật biện chứng, lý thuyết Marx. Tôi không dùng những thứ ấy để nhìn những việc xẩy ra chung quanh. Tôi chỉ là ông nông dân có con trâu làm việc trên đồng cạn dưới đồng sâu nay phải từ bỏ nó mà chưa chắc đã an thân."
Khoảng 1967, tôi có đi theo một người bạn cốt ý ăn thịt bò nướng tại nhà một giáo sư Mỹ trên đường Duy Tân, Saigon. Cùng đến có Patrick Honey, chuyên viên về VN trong phái bộ Anh tại hội nghị Geneve 1954 và là cố vấn của ngoại trưởng Anthony Eden. Chừng mươi thực khách vây quanh ông trò chuyện một hồi không lâu lắm. Honey nói ông ta không ngạc nhiên khi nghe tin chiến tranh bùng nổ tuy dưới dạng du kích chiến, đánh dấu bởi trận Ấp Bắc Bà Bèo (29.09.1959). Theo ông hơi hướng chiến tranh đã ngửi thấy khi hiệp định Geneve xem như đi đến kết cuộc chia đôi VN tuy chưa ký kết. Ông đã đánh hơi trong khi tiếp xúc với nhân viên các cấp của phái bộ CS.


Vẫn theo nhà ngữ học nầy, Phạm Văn Đồng tưởng chừng cường quốc giao hết cả nước Viêt Nam cho HCM vì nước Pháp còn tệ hơn một thương binh mất cả tứ chi. HCM đã căm hận đàn anh quốc tế không tiếp tục viện trợ quân sự. Trung Cộng muốn nhân cơ hội nầy chứng tỏ vai anh, ngang với Nga nên đã cố ép HCM chấp nhận cái khôn ngoan thường tình là có còn hơn không. CS chuẩn bị ngay từ đầu bằng cách hô hào tập kết ra bắc thành phần mới được tuyên truyền nhưng để lại thành phần cốt cán.

Thật vậy, về đến Hà Nội, HCM gọi là tả khuynh các nhóm hay cá nhân nào chủ trương lấy hòa bình xây dựng kinh tế nâng cao mức sống dân chúng, cạnh tranh với miền Nam. Kinh nghiệm cho thấy rằng đi theo kiểu phát triển của Triều Tiên chỉ đưa đến thất bại vì phía nam vĩ tuyến 38, Mỹ đổ tiền rất nhiều mà tài nguyên thiên nhiên cũng hơn. Miền Nam VN lại được thiên nhiên ưu đãi giàu có hơn nếu đem so bắc nam Triều Tiên.

Cải cách ruộng đất qua đấu tố, ngoài mục đích làm cho giống như đàn anh CS, nhằm đưa tất cả cơ cấu sản xuất tập trung cho nhà nước để chuẩn bị chiến tranh. Đoàn ngũ hóa nhân dân cũng đi vào mục đích ấy. Nền văn nghệ cũng quyết liệt hơn. Không còn nét dân tộc và lãng mạn như thời kháng chiến. Những tác phẩm có tính cách trực khởi từ tình tự dân tộc như của Hữu Loan, của Việt Lang... đều bị cấm triệt và các tác giả bị tù đày. Về lý thuyết và thực tế cái gọi là dân tộc không còn sức kêu gọi trong giai đoạn mới. Hơn nữa tính dân tộc là xương sống của những thứ cần đả phá để thay thế bằng lòng yêu đảng và lãnh tụ. Văn nghệ là văn nghệ sản xuất, là tin tưởng vào lãnh tụ.

Mọi hình thái sinh hoạt, mọi chủ trương chỉ nhắm vào đánh chiếm miền nam dù với hình thức trường kỳ.

Bằng chứng rõ ràng nhất của âm mưu được tìm thấy trong lời thuyết minh của Nguyễn Mạnh Tường trước hội nghị các luật gia về hòa binh 1956 tại Bruxelle (ghi lại trong một hồi ký). Ông đã kêu gọi các đồng nghiệp chấp nhận vũ trang và bạo động là hòa bình. Đừng ngây ngô mà nói hòa bình và võ trang khởi nghĩa là hai thực thể tách lìa và đối kháng; hai thứ đó không như ngày và đêm.

Ông đã than khóc cho một nước VN bị chia cắt bằng con dao là sông Bến Hải. Nói với luật gia, ông dùng ví dụ trong nghề, là các phiên tòa ly dị, con sông nầy là nước mắt của đàn con. NMT đòi thế giới công nhận sự nổi loạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Nam. "Chúng ta không nên hiểu chiến tranh là cái gì nguy hại, không có lằn ranh giữa chiến tranh và hòa bình". Ông lên án sự hời hợt trong sự suy nghĩ của người bình dân, và ông chủ trương nhìn chiến tranh và hòa bình trong lối suy nghĩ biện chứng, vượt qua lối giải thích nặng phần ngữ âm và cú pháp.

Chỉ cách phía trên chừng mươi trang, NMT đã phân biệt chính trị và luật pháp. Một bên chính trị là mơ hồ như ma như quái; một bên là luật pháp rõ ràng có lằn mức giới định. Nhưng đến đây ông lại kêu gọi các luật gia đồng nghiệp dùng biện chứng cùng tính cách năng động để hiểu chiến tranh chính là hòa bình, vượt lên trên ngôn từ.

NMT quên nói rằng Hiệp định Genève 1954 được ký kết giữa hai phái bộ quân sự CS và Pháp. Nó tạo nên một hình thái phần nào giống tình trạng ở vĩ tuyến 38; quân Nhật bị giải giới bởi Nga phía bắc, Mỹ phía nam; thực tế tạo nên hai nước Triều Tiên. CS đồng ý rút quân về cố thủ phần chia lãnh thổ, phía bắc vĩ tuyến 17.

NMT mang sứ mệnh do CSVN giao phó, cùng với Nguyễn Huy Mân chủ tịch tòa án quân sự để chuẩn bị dư luận quốc tế về âm mưu xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực.

Ngoài thực tế chính trị với tiền lệ rút quân ở Triều Tiên, Miền Nam vẫn có sự liên tục chính thống từ khi Bảo Đại tuyên bố độc lập sau thế chiến hai. Miền Nam là một quốc gia; chính phủ vẫn trông vọng một nước Việt duy nhất qua hai phản ứng 1. không chấp nhận dự Hội Nghị Á Phi với sự hiện diện của BV, 2. không chấp nhận đề nghị cả hai miền vào Liên Hiệp Quốc (đúng sai không bàn ở đây).

Kêu gọi luật gia thế giới ủng hộ một cuộc nổi loạn bạo động trong một quốc gia liên tục - ít nhất với lẽ thường - không có tí gì luật pháp. Đáng lý Hội Luật Gia Dân Chủ nầy phải để ý đến tình trạng luật pháp tại BV. Hà Nội đã đàn áp đẫm máu các cuộc nổ dậy, ví như vụ Quỳnh Lưu.

Lời lẽ văn hoa và chuyên nghiệp trước hội nghị che dấu sư hiện diện của CS trong việc hình thành hiệp định Genève. Ông chỉ nói một cách trống rỗng về tình trạng chia cắt. Nhưng ai cũng biết ông đến với một mục đích rõ ràng là bênh vực khởi nghĩa võ trang tại miền Nam. Ông đã cố tình (hay vì không biết) bỏ lững mối liên hệ giữa Nguyễn Hữu Thọ và chính quyền BV. Nhưng thiển nghĩ ông dư sức hiểu ông được phái đi không phải là thừa giấy vẽ voi.

Sau đó trong suốt cuộc hành trình, qua sinh hoạt với từng phái đoàn riêng, ông đã phê phán thậm tệ nền pháp luật BV trên lý thuyết và thực hành. Ông rất khắc khe với cải cách ruộng đất, không tiếc lời xấu xa cho chế độ CS. Nhưng học giả nầy quên hay cố quên rằng chính thể mà ông cho là tồi bại là phi nhân lại là guồng máy chỉ huy công cuộc mà ông ca ngợi. Đó là khởi nghĩa võ trang ở miền Nam. Nói khác ông mong chế độ ông chê trách phủ trùm đến Mũi Cà Mâu. Nếu mấy chữ kế cận trên đây không nằm trong ý tưởng của ông thì vị tiến sĩ đôi của chúng ta rất ngây ngô, hành sử như một luật sư chuyên nghiệp; làm việc cho một đơn đặt hàng nguy hiểm, như trường hợp biện hộ cho một kẻ sát nhân bị bắt quả tang và thú nhận cùng các bằng chứng rõ rệt.

Chúng tôi sẽ tìm cách giới thiệu "Bản Án Cho Một Trí Thức" của NMT. Đây chỉ dùng một đoạn ngắn minh chứng sự chuẩn bị và ý hướng xâm chiếm miền Nam. Ông đã cổ súy sự tự phát võ trang. Điều nầy không mới lạ mà là một đề tài chính trong tuyên truyền của Hà Nội.

Tính cách gọi là "nhân dân" ấy dễ ngụy trang trong du kích chiến. Mà du kích chiến tự nó không thể giải quyết rốt ráo, phải nhường chỗ cho chiến tranh qui ước và diện địa. BV đã đi ngược lối tuyên truyền ấy khi cho những đơn vị lớn vượt Bến Hải xâm vào Quảng Trị 1972; và sau đó chúng ta chứng kiến những trận đánh lớn và xua quân ào ạt chiếm miền Nam ngày 30.04.75.

Chiến trận kết liễu, phô bày trước mắt người miền Nam một miền bắc nghèo nàn và bưng bít; phô bày trước mắt người Bắc một miền Nam không phải là một nhà tù vĩ đại, dân chúng không ăn cơm với cái gáo dừa. Trước chính sách bần cùng hóa, người miền Nam còn ở trong nước, phải nghĩ đến cuộc sống khó khăn, ở ngoài nước chỉ nghĩ đến thân nhân. Họ không có thì giờ để nghĩ đến những người trong cùng chiến tuyến đã chết, vừa chết.

Sự thương tiếc ấy cũng bị lu mờ vì lòng căm hận đối với ván cờ thí xe lấy chốt, căm hận đối với những kẻ có binh quyền để lại cái băng nhựa kêu gọi chiến đấu đến giọt máu cuối cùng mà người thật đã cùng vợ con xô chiếc trực thăng xuống biển sau khi đã đáp an toàn trên tàu chiến ngoài khơi. Dân chúng không tìm ra trung tướng Thiệu, cái trung tướng mà người bằng da thịt tên Nguyễn Văn Thiệu bảo đảm hiện hữu, còn cái tổng thống Thiệu sẽ mất đi. Thì ra tổng thống cũng không, mà trung tướng cũng không.

Tôi không quen ca ngợi kể cả ca ngợi Phật Chúa. Tôi lại không quen ca ngợi những chiến sĩ mọi cấp đã hy sinh, vì chính tôi là một quân nhân biệt phái, đi từ quân trường về nhiệm sở cũ và làm việc tại Saigon cho đến ngày hạ màn. Tôi đã không thấy sự cơ cực của người lính chiến, tôi đã không trực diện với cái chết kề hông. Tôi cảm thấy không đủ tư cách đứng lên đọc một lời cảm niệm, khệ nệ đặt một vòng hoa trên mồ chiến sĩ. Tôi không có quyền hô hào một ai xông vào lửa đạn. Nhưng tôi thấy được phép ta thán sự vong ân bội nghĩa, "bạc như dân".

Vừa đi tù về, một hôm chờ xe buýt, phải căng tai mà nghe để tách xa, khỏi di lụy; nhưng nhờ vậy tôi nghe hai bà nói về cái chết của Phan Thanh Giản mà các sử gia cách mạng cho là vô lối; Phan Thanh Giản không yêu nước, chỉ có những người như Lê Hồng Phong mới yêu nước. Chuyện nầy làm tôi liên tưởng sự phê phán của vài bà tướng bà tá đối với bà Lê Văn Hưng: ông Hưng tự sát là phí đời, không cần thiết, không khôn ngoan tí nào..

Phải rồi, những bà ấy hằng ngày tại Saigon điều khiển mười sáu ông tướng bốn màu nên xem các ông tướng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng không hơn gì con bài tứ sắc. Hàng ngày các bà điều khiển cả tiểu đội, nào lái xe cho bà đi chợ, lái xe cho con đi học, các bà có thể ăn lương của họ vì họ mưu cầu chữ thọ, điều khiển họ như tôi tớ. Vì vậy các bà không thể quan niệm cái hào hùng của anh lính trận, không thấy huynh đệ chi binh. Trong vài ngày cuối ở Cần Thơ, tướng NK Nam đi thăm bệnh viện dã chiến; một thương bệnh binh cố sức chồm ôm ông, vừa khóc vừa nói: trung tướng đừng bỏ em.

Các bà mang cấp bậc của chồng ấy tốt nhất nên ngậm miệng ăn tiền, vì rất có thể các đức ông chồng đang hung hăng trên diễn đàn cộng đồng, đứng đầu các tổ chức cựu quân nhân, bộ trưởng trong các chính phủ lưu vong. Ở đời có những người mình gặp mà không nói thì mất người, có người mình nói thì mất lời. Chị Hưng ơi, nói với họ làm chi, chị ơi.

Các bà thì sao cũng được còn các ông thì coi không được. Vài ông đã trở cờ. Nhưng điều buồn cười nhất là tất cả các vị ấy, dân sự, quân sự, văn nghệ sĩ đi đúng một khuôn thức: phải chửi lại cộng đồng, và chửi lại quân đội, hai tập thể đã cưu mang họ trong suốt cuộc đời họ. Không chửi như thế có được không? Đó là điều kiện của Hà Nội chăng?

Tôi không nghĩ như vậy, mà đây do tâm thức của kẻ qui hàng rất chi là Đông Chu Liệt Quốc. Ngày xưa Ngô Khởi tự ý giết vợ để cho vua tin. CS đa nghi, các vị ấy phải theo bài học của nhà quân sự Xuân Thu nầy. Rõ ràng, cứu cánh biện minh cho phương tiện; mà đây lại là phương tiện không cần thiết.

Nếu những người nầy thật sự là CS từ đầu (đảng viên hay nằm vùng) nay trở về chủ cũ; đó là những điều đáng buồn, họ không đáng trách. Nhưng đáng miệt thị là những kẻ từ trong trứng nước, lớn lên, giàu có trong ân huệ của miền Nam, hưởng không khí tự do (dù tương đối) quay trở lại làm hại cho miền Nam. Họ thuộc nhiều thành phần trong xã hội, và cũng là nhóm nhiều mồm mép nhất. Họ đáng bị nguyền rủa, trong lúc chúng ta không khinh thị những cán binh CS thực tâm tin tưởng như họ được tuyên truyền. Lớp nầy giống như kẻ bán khai chặt cây táo mà hái trái trong lúc người văn minh dùng thang mà hái rồi tưới nước cho cây.

Trường hợp tệ hại nhất, theo tôi, một ông tướng đã nói rằng nếu quân miền Nam giải phóng miền Bắc thì sự sát hại còn ghê gớm bội phần những điều đã xẩy ra sau 1975 bởi CSVN. Con cá sẩy bao giờ cũng lớn; vì con cá ấy chưa có trong tay, tự mình cảm thấy nó to hay tự ý khếch đại. Có câu hỏi trong Cổ Học Tinh Hoa, vẽ ma dễ hay vẽ người dễ; vẽ ma thì dễ quá, cái mũi không cần cân xứng, vẽ năm mười cái sừng cũng chả sao, nanh dài đến rốn càng tốt.

Biện lý cuộc đã xin tòa phán quyết tử hình cho một kẻ ăn cắp quả trứng gà. Quả trứng gà sẽ thành con gà, con gà sẽ thành bầy gà, sinh ra nhiều tiền, đem tiền đi đầu tư sinh lợi có thể xây cả trăm thành phố. Tòa giảm còn chung thân. Không một ai biết quả trứng có trống hay không.

Hy vọng lối suy diễn ấy chỉ mới có trong sự thôi thúc đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, để xin điểm, để làm quà của hàng tướng như Ngô Khởi dâng thủ cấp của vợ. Nhưng nếu lối suy luận ấy nằm lòng từ khi các vị ấy còn nắm quyền ở VN, thì khỏi giải thích vì sao con cháu Lạc Hồng chạy re không đem theo được cái mền rách.

Bên trên, tôi có nêu lời Nguyễn Mạnh Tường chỉ trích cái nhìn bình dân, chưa đạt đến mức biện chứng. Nhưng tôi là người bình dân, tôi có cái nhìn rất bình dân.

"Thưa ông, đây là chồng tôi, mới được về hôm nay, xin ông vui lòng cho chồng tôi ở lại vài ngày". Tôi đi theo nhà tôi như đứa tớ dưới làng lên tỉnh giúp việc, qua nhà ông công an khu vực. Ông bất động như một thiền sư chìm sâu trong tam muội. Tôi nghĩ thầm nếu ông không gật đầu, thế nào tôi cũng phải ra chợ Nguyễn Tri Phương ngủ, chứ ở trong nhà thì trăm điều khốn khổ xẩy ra. Nhà tôi nhanh trí nói: Xin ông cho ở chừng ba ngày để sắp xếp đưa mẹ con tôi hồi hương, giao nhà cho chính quyền. Ông ta bậc dậy như ai lấy kim chích đít: "Được, lo sắp xếp mà đi đi nhe".

Căn nhà xập xệ nầy cũng giống như con trâu của một nông dân ngoài Bắc. Con trâu phải dâng hiến cho hợp tác xã, mong họ lấy cho mà đừng đấu tố chủ nhân, đừng xếp vào hàng địa chủ. Cũng giống như nhân viên xã vào nhà đếm gà thấy thiếu một con, không tin là chồn bắt mà đưa gia chủ ra kiểm thảo giết lén con gà sản xuất, trái với tinh thần đạo đức cách mạng.

Nhờ ơn trời đất, nhờ ơn ông bà tổ phụ, tôi có tròm trèm dăm ba chữ tuy không đi đến đâu về duy vật biện chứng, lý thuyết Marx. Tôi không dùng những thứ ấy để nhìn những việc xẩy ra chung quanh. Tôi chỉ là ông nông dân có con trâu làm việc trên đồng cạn dưới đồng sâu nay phải từ bỏ nó mà chưa chắc đã an thân.

Tôi cầu mong các thân hữu chia xẻ cái nhìn bình dân của tôi. Tôi không muốn căn nhà bị chiếm đoạt (bị ép mà dâng hiến), tôi không muốn vợ tôi bị xỉ mặt mắng là thứ vợ ngụy, tôi không muốn con mất các quyền học hành ...và tôi biết trên cuộc đời nầy, có những con người - dù không thành công - hy sinh tính mạng trong mục đích làm cho những việc ấy không xẩy ra. Tôi tri ân những người ấy.

Một ai đứng trên bờ nhìn ra đại dương mà thấy trong lòng biển nước có xác của vợ mình, của con mình cùng với cái máy đuôi tôm khi chiếc ghe không chịu nỗi sóng dập; người ấy cũng biết rằng trên mãnh đất đau khổ của quê nhà, có những kẻ - tuy chưa thành công - đã hy sinh cuộc đời trong mục đích làm cho việc ấy không xẩy ra. Hãy biết ơn những người vô danh ấy.

Một ai thấy miếng đất hương hỏa của mình dành xây nơi thờ cúng tổ tiên nay nằm dưới khu nhà tắm cầu tiêu của một dinh thự mới, khi tự an ủi với lý thuyết vô thường, vô sở trụ ... vẫn biết có những kẻ đã hy sinh trong mục đích ngăn chân điều nầy xây ra; họ thất trận, lắm người quên đi.

Tôi đã mời các thân hữu dạo quanh một vùng rất rộng lớn với ý niệm chiến lược cùng vài nét sơ phát của bối cảnh 1954 rồi đi đến cái nhìn rất nhỏ hẹp bình dân, không kinh điển, không học vị. Cũng giống như hình cái phểu lớn trên bé dưới, đầu voi đuôi chuột. Tôi ước mong cái nhỏ nhoi ấy là nhịp thở e ấp, thầm kín, chân thật và có thật. Mỗi cái nhìn riêng tuy nhỏ bé mà sâu sắc cho từng cá nhân. Cộng chung những thể nghiệm ý thức ấy, chúng ta sẽ có một luồng hơi ấm mới, khơi nóng bầu không khí có phần lạnh nhạt vì thời gian và những yếu tố xâm thực từ bên ngoài. Những khẩu hiệu to lớn ồn ào làm điếc tai không ai nghe; những lời sâu sắc từ tốn thì cô đơn, ít ai nghe.

Giữa hai sự thể ấy là những con người sống thực như mỗi chúng ta trực diện những mất mát, những khổ đau cho chính mình, cho gia đình, cho những người chung quanh. Chúng ta không bị xung động bởi bất cứ ngọn gió nào. Chúng ta có những câu hỏi rất người rất đơn giản và giải đáp ngay.

30.4 chấm dứt một sự cố gắng vô song của rất nhiều chiến sĩ trong mục đích tối hậu chận đứng ngày thảm não ấy. Rất tiếc, thiên cơ đã không giúp họ ngăn chận cảnh nước mất nhà tan và giúp chúng ta khỏi gánh chịu những tai ách trong từng hoàn cảnh cá nhân riêng rẻ.

Những hy sinh âm thầm ấy biết kể làm sao cho hết. Nhưng có kể, cũng xin đừng quên những di lụy trực tiếp của sự kiện những người nằm xuống. Đó là những "sư đoàn" cô nhi quả phụ, những thiếu phụ lo cho chồng thương tật, những bà mẹ cưu mang những đứa con trở thành bất túc, những đứa con không cha như nhà không nóc.

Bức tượng Thương Tiếc đã bị đánh ngã ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Đầu ngàn năm mới, Taliban đã phá hủy hai tượng Phật vĩ đại từ thời A Lịch Sơn Đại Đế (Alexandre le Grand). Hành vi ấy chỉ thỏa mãn sự kiêu căng của lãnh tụ Hồi giáo nầy và thiệt hại kỹ nghệ du lịch tại chỗ; nó không suy suyển tinh thần tôn giáo của thế giới và của người theo Phật.

Cũng thế, Taliban VN đã phá hủy tượng Thương Tiếc bên xa lộ Biên Hòa; nhưng họ không thể trục hạ sự thương tiếc trong mỗi chúng ta. Bức tượng tâm thức ấy, ít nhất, mỗi năm được đem ra sơn phết một lần vào ngày mất nước. Bức tượng ấy không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai; bức tượng ấy không riêng gì của người mặc áo trận mà của mọi người. Trong tượng ấy, có người đã chết, có người đang sống và còn sống mãi.-

***
Phụ bản 1

nắng quảng trị

Tôn Thất Tuệ

Gió Lào thổi cháy cả tay kèm theo những hạt cát như tên bắn vào da. Hơi nóng ấy ở Quảng Trị tôi nghĩ đủ sức đập vỡ những phân tử tinh dầu trong những ngọn lá tràm hoang không chờ người cắt về nấu chưng cất thành một dung dịch xanh lục có tác dụng giảm đau nhức, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu tràm Dung ga Huế... Dân cư mắt bét vì cát tác quái lên phần da mỏng thín bên trong con mắt. Trên những truông những độn ấy, chỉ có những cây thấp, chặt về nhà lấp dưới vồng khoai lang cho xốp đất, hoặc bỏ vào chuồng heo đạp sau nầy làm phân. Những rừng chồi có sim, móc...Cây tràm nhỏ lắm không như cây tràm Cà Mâu dùng làm cừ cất nhà.

Dãy Trường Sơn dựng đứng như vách, biến vùng phía tây thành khu đại lục về phương diện khí hậu. Mặt trời mùa hè làm cho không khí căng ra như bong bóng. Hơi nóng từ bên Lào theo nguyên tắc trao đổi nhiệt lượng chạy qua khe núi như cái sấy tóc vào Quảng Trị tiếp giáp biển Đông. Thung lũng Bakerfield bắc thành phố Los Angeles cũng mang hình thái đại lục vì bị chấn ngang bởi một dãy núi ra tận bờ nước. Bầu "nhiệt tình" ấy hằng năm tặng cho Nam Cali trong đó có Quận Cam lớp sóng nóng (Santa Ana Heat Wave). Nó không tác hại cho dân Mỹ vì điều kiện sinh sống đầy đủ, nhà cửa che kín, máy lạnh v.v...Nhưng với Quảng Trị thì khác. Gió Lào, nó rất lào!, nó đến kèm theo cát bụi và nhất là không thổi cơm được. Gió thế ấy làm sao nhóm lửa. Phải nấu cơm từ khuya, lúc ấy nhiệt độ đại lục xuống thấp, không khí teo lại chờ mặt trời mới phình trương mà đi xuống Quảng Trị.

Mới đây tập san Quảng Trị đăng tải bài thơ "Nắng Đông Hà" tả chuyện gặp lại người xưa:
Em cho tôi ngọn gió Lào
Món quà hội ngộ thấm vào tâm cang.
Vâng, không nên thơ như vậy, tôi có dịp hội ngộ cơn gió Lào trên đất Quảng Tri.

Trong cái nóng trưa hè ấy, khoảng 1970 tôi đi qua mảnh đất nghèo xác xơ ấy, tháp tùng bộ trưởng Xã Hội và hai hay ba viên chức ngoại giao thuộc mấy tòa đại sứ Âu Châu trong nhiệm vụ thanh sát đời sống của dân di tản các làng nay thành trận mạc. Đoàn thanh tra được hướng dẫn bởi ông trưởng ty địa phương và các nhân viên tòa tỉnh. Đi được một hồi, đột nhiên ông vội vã đưa tay mời đoàn người đổi hướng.


Bên hẻm không người đi
một mái tranh trên cát bều xều như ở bãi biển Cửa Tùng
một thiếu phụ, duy nhất một người, nói lại chỉ một người
không có áo tang, chỉ có vành khăn trắng
trên cát bều xều ấy trong tư thế nửa ngồi nửa nằm sấp
bà khóc, hai tay bấu vào nền cát như đang xoa bóp lưng ai
trong cái u ám của lòng người và ngoại cảnh tiêu điều
có hai màu rực sáng, màu vàng và màu đỏ
lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên một quan tài
túp lều trống vốc nằm trong quyền cư ngụ
của ba hiện hữu liên hệ mật thiết dính bó với nhau:
cái quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ
thiếu phụ vọc đất,
cái lon sữa bò có cắm mấy chân nhang đỏ.-

Georgia USA tháng tư 2009
***

Phụ bản 2

vết đạn xuyên

tôn thất tuệ

Có một kẻ dù đời rách nát
tay nâng niu hạt đậu ươm mầm
gieo trên cát đất khô muối mặn
tưới tin yêu bằng mồ hôi, nước mắt.
*
Có khi nao em qua vùng hỏa tuyến
mặt trận Bắc, Quảng Trị mờ khói súng
mùi khuynh diệp xoa êm cơn thống khổ
khi mặt trời đập vỡ lá tràm tươi.
Có anh lính chết nguyên trong nhung phục
mười ngón tay bấu vào đất nóng
quá yêu thương đất mẹ ngàn năm.
Cô vợ quê đứng bên thành khối đá.
Lũ gió chướng ôm ngàn nắm cát
ướp xác người cho sống với thời gian,
vĩnh biệt anh đưa anh về cõi lạc.
*
Và đây nữa, cô sinh viên trường luật
ôm tấm bia như ôm thân chàng nóng ấm.
Nàng nuốt khóc nhưng khóc đầy hồn rỗng
thế mà sao mắt đổ giọt kim cương
phản bội nàng, tưới vùng cỏ úa.
Tay yếu mềm viết không trên đá trắng
nét vòng vo như tóc rối gió không buông
ôi anh ơi, bâng khuâng tím còn tên nào khác nữa?
"chớ quên em" là dòng họ của loài hoa.
Cô bé mộng vung tay mở rộng
nhìn xa xăm mà hát một lời thơ.
Nấm mộ nầy chôn chung người yêu và tay súng.
Nhưng Tử Thần trong đường thương ma quái
khi đấu sức với người lính chiến đã giết luôn
người tình yêu dấu của đời tôi.*
Thu hoang sơ vẫn im nguyên qua đáy núi.
*
Em đã thấy nhưng ta nhìn quá hẹp
ghế trường làng lé đé bờ ao.
Hãy giúp ta bằng viên đạn qua người
xuyên vết trổ, ta học bài đau khổ
xuyên vết trổ ta biết yêu người lính
vòng hoa trán kết bởi những ngọn lá tràm
cô nữ sinh lòng bâng khuâng tím
cuối góc hồn sầu mộ chiêm bao
yêu kẻ yếu gieo mầm trên đất khổ
xin niềm vui cho đồng loại ngoài trong..-
ghi chú:

* ý từ một bài thơ không nhớ tên và tác giả trong một tuyển tập Anh Pháp tại Phòng Thông Tin Mỹ USIS Saigon khoảng 1962

23 May 2010

Thơ Cao Minh Tâm



Ngày em hai mươi tuổi
Mắt trong xanh sáng ngời
Môi cười nhìn hoa nở
Lòng rộn ràng yêu đời

Ngày em hai mươi tuổi
Tóc mềm phủ lưng gầy
Ngón tay dài thuôn thả
Em ấp ủ mộng đầy

Ngày em tuổi đôi mươi
Sững sờ lúc gặp người
Ngượng ngùng hay bối rối
Yêu rồi, lòng nào nguôi

Tình đưa em bay cao
Mơ màng với trăng sao
Bồng bềnh theo mây gió
Ngất ngây tình yêu đầu

Rồi ngày tháng thoi đưa
Tình như tiết: nắng, mưa
Lúc nồng nàn, thắm thiết
Khi hờ hững, ơ thờ

Một ngày, người xa tôi
Ngăn cách một biển khơi
Người mải mê đời mới
Buông tình tôi chơi vơi

Tình người đà im tiếng
Tình tôi cũng hư hao
Buồn vương tình dang dở
Xót tình thoáng chiêm bao

Cao Minh Tâm